Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh tăng mạnh
Ngày 4/8, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp tháng 8/2022 của TP Hồ Chí Minh.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình bày báo cáo, trong tháng 7, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 100.320 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 139,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 42,2%). Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 656.119 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 1,8%).
TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại hệ thống phân phối, cơ sở sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và tiểu thương tại các chợ chịu tác động của dịch bệnh, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình “Bình ổn thị trường năm 2022”…
Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh qua cửa khẩu cả nước 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 25,378 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,6%). Tổng kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 38,9 tỷ USD (cùng kỳ tăng 24,6%).
Trên lĩnh vực du lịch, tổng doanh thu trong tháng ước đạt 10.698 tỷ đồng, tăng 9.543 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 1.155 tỷ đồng). Khách du lịch nội địa đến TP Hồ Chí Minh ước đạt 2,21 triệu lượt; Khách quốc tế ước đạt 287.603 lượt.
Tính chung 7 tháng, tổng doanh thu ước đạt 60.379 tỷ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP Hồ Chí Minh ước đạt 13,3 triệu lượt, tăng 71,73% so với cùng kỳ; Khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh ước đạt 765.585 lượt.
Trong 7 tháng đầu năm, vận tải hành khách công cộng đạt 179,4 triệu lượt hành khách, tăng 17,7% so với cùng kỳ và đạt 44,6% so với kế hoạch năm 2022 là 402 triệu lượt hành khách. Vận tải hành khách bằng đường thủy ước đạt 17,18 triệu lượt người, tăng 15,97% so với cùng kỳ. Số lượng hành khách đi và đến TP Hồ Chí Minh bằng đường sắt ước đạt 488.634 lượt (tăng 71% so với cùng kỳ) bằng đường hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất ước đạt 18.302.938 lượt hành khách (tăng 94,5% so với cùng kỳ).
Giải ngân vốn đầu tư công còn quá thấp
Đối với lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tính chung 7 tháng đầu năm ước tăng 7,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,3%). Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu trong 7 tháng ước tăng 12,2% (cùng kỳ tăng 2,1%). Trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử giảm 4,3% (cùng kỳ tăng 7,3%) chủ yếu do giảm sản lượng mặt hàng điện tử dân dụng, thiết bị dây dẫn; Ngành hóa dược - cao su - nhựa ước tăng 22,7% (cùng kỳ tăng 0,5%); Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước tăng 18,8% (cùng kỳ giảm 4,6%); Ngành cơ khí ước tăng 3% (cùng kỳ tăng 8,8%).
Tại Khu Công nghệ cao giá trị sản xuất tháng 7 ước đạt 2,507 tỷ USD (tăng 46,5% so cùng kỳ), giá trị xuất khẩu đạt 1,395 tỷ USD (giảm 14,9% so cùng kỳ), giá trị nhập khẩu đạt 1,565 tỷ USD (tăng 1,9% so với cùng kỳ). Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 15,396 tỷ USD (tăng 18,9% so cùng kỳ), giá trị xuất khẩu đạt 11,409 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 11,469 tỷ USD. Lũy kế đến nay Khu Công nghệ cao có 163 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 12,076 tỷ USD.
Về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, theo báo cáo của Sở KH&ĐT đến cuối tháng 7/2022 theo số liệu do Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội cung cấp, tổng vốn số vốn đã giải ngân 8.467,788 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 26% tổng kế hoạch vốn giao (31.943,65 tỷ đồng).
Đối với việc thành lập doanh nghiệp (DN), tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung 7 tháng đầu năm 2022 là 625.558 tỷ đồng, giảm 11,43% so với cùng kỳ. Trong đó, có 25.316 DN được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 304.190 tỷ đồng (ngành kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (28,52%); Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác (27,06%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (12,42%), tăng 20,03% về số lượng so với cùng kỳ và giảm 13,69% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Có 51.595 lượt DN đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó, vốn điều chỉnh bổ sung tăng 321.368 tỷ đồng, giảm 9,18% so với cùng kỳ.
Có 2.521 DN hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở KH&ĐT, giảm 12,56% so với cùng kỳ; 16.435 DN tạm ngưng hoạt động (phân theo ngành nghề: Bán buôn và bán lẻ; Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác - 5.930 DN chiếm 36,08%; Ngành nghề chưa áp mã ngành là 1.707 DN, chiếm 10,39%; Xây dựng (1.612 DN chiếm 9,81%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (1.549 DN chiếm 9,43%); Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (1.432 DN chiếm 8,71%). Tổng số DN trên hệ thống hiện tại là 498.406 DN với số vốn 9.229.391 tỷ đồng.
Chỉ số cải cách hành chính tụt hạng
UBND TP Hồ Chí Minh nhận định tính chung 7 tháng đầu năm 2022, kinh tế có mức tăng trưởng khá. Sản xuất công nghiệp đã phục hồi, nhiều DN đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường. Hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại, xuất khẩu tăng tốc, chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng doanh thu bán lẻ và doanh thu dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP Hồ Chí Minh tăng 71,73% so với cùng kỳ, khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 17,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của TP Hồ Chí Minh còn thấp, nằm trong nhóm B, so với năm 2020 chỉ số cải cách hành chính của TP tụt hạng. Khả năng hấp thụ vốn của nhiều lĩnh vực còn thấp, chưa đạt kế hoạch theo yêu cầu. Nguyên nhân một phần do những vướng mắc, cản trở về thể chế, chính sách nói chung, mặt khác, môi trường đầu tư còn chưa hấp dẫn, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ phía đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là trong phối hợp giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, tài sản công còn mất nhiều thời gian.
Một số ngành có chỉ số lao động giảm: Sản xuất phương tiện vận tải khác (30,7%); Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (14,9%); Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (11,8%); Công nghiệp chế biến, chế tạo khác (11,3%).
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt kỳ vọng do nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng dịch Covid-19 và xung đột quân sự, chính trị trên thế giới dẫn đến các yếu tố đến từ bên ngoài như giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao. Trong 10/11 nhóm hàng tăng giá thì nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng 15,94% do tác động giá xăng, dầu tăng cao.
Sản phẩm du lịch đường sông còn thiếu bến thủy, cầu tàu, môi trường kênh rạch còn ô nhiễm nên nhiều tuyến du lịch đường thủy nội đô bị ảnh hưởng, nguồn nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Thu hút 2,43 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài
Đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2022, TP Hồ Chí Minh thu hút được 2,43 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Trong đó, có 373 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 274,93 triệu USD (tăng 8,1% số dự án cấp mới, giảm 3,4% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
TP Hồ Chí Minh cũng chấp thuận cho 1.405 nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 749,41 triệu USD, giảm 2,3% về số trường hợp so với cùng kỳ, giảm 23,2% về vốn so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay có 90 dự án đề nghị chấm dứt hoạt động.
Trong 7 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước 282.965,161 tỷ đồng (đạt 73,20% dự toán năm), tăng 20,01% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 7 tháng (không tính tạm ứng) ước thực hiện 33.079,700 tỷ đồng (đạt 33,19% dự toán), giảm 4,24% so với cùng kỳ.