70 năm giải phóng Thủ đô

Trên 40% người dùng internet Việt không mua sắm trực tuyến

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có đến 44% người sử dụng internet ở Việt Nam chưa bao giờ mua hàng trực tuyến do lo sợ những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra.

Tại cuộc hội thảo “Hành vi người mua sắm trực tuyến Việt Nam" vừa diễn ra, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đã đưa ra con số rất đáng chú ý về thực trạng thương mại điện tử (TMĐT), theo đó có đến 44% người dùng internet ở Việt Nam (tương đương với gần 14 triệu người) chưa bao giờ tiến hành các giao dịch hàng hóa trực tuyến.

 
Trên 40% người dùng internet Việt không mua sắm trực tuyến - Ảnh 1
Nguyên nhân được chỉ ra bắt nguồn từ tâm lý e ngại trong chất lượng hàng hóa, cách thức thanh toán cũng như giá cả chênh lệch khá nhiều so với ngoài thị trường của người tham gia. Trong đó chất lượng hàng hóa là lo ngại lớn nhất khi thực trạng hiện nay xuất hiện khá nhiều trang TMĐT giới thiệu một kiểu nhưng khi đến tay khách hàng lại là sản phẩm có chất lượng kém hơn so với quảng cáo rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Văn Thoan- Chủ nhiệm môn Thương mại điện tử, trường Đại học Ngoại thương, nhận định, mặc dù người dùng Việt có sở thích mua hàng qua mạng nhưng nhìn chung hiện nay TMĐT vẫn chưa tạo được sự tin tưởng về chất lượng, dịch vụ cũng như giá cả. Nếu đảm bảo tốt được những khâu này, TMĐT tại nước ta sẽ phát triển đúng với tiềm năng của nó, mang lại giá trị kinh tế lớn cho các doanh nghiệp tham gia, ông Thoan kết luận.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Trương Thanh Hà, đại diện của Google tại Việt Nam cho biết, rào cản chính ngăn cách giữa người mua và TMĐT nằm ở lòng tin vào chất lượng sản phẩm, chính vì vậy cần có những biện pháp ngăn chặn cũng như hạn chế doanh nghiệp và cá nhân bán hàng trực tuyến theo tình trạng "nói một đằng, bán một nẻo".

Ngoài ra, các doanh nghiệp TMĐT mặc dù đã có thương hiệu và uy tín vẫn nên tập trung vào quảng bá sản phẩm và chất lượng dịch vụ hơn nữa. Qua đó niềm tin của người tiêu dùng sẽ dần được cải thiện, không chỉ nâng cao được cái nhìn thiện cảm đối với doanh nghiệp của mình mà còn tăng niềm tin đối với mô hình TMĐT nói chung, bà Hà đưa ra lời khuyên.

Được biết, thị trường TMĐT tại Việt Nam là vô cùng tiềm năng với số lượng người sử dụng internet chiếm 33% tổng số dân, trong đó 60% người dùng thuộc độ tuổi từ 16 – 45, lừa tuổi có nhu cầu mua sắm trực tuyến cao nhất. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, 56%  số người dùng internet đã và đang mua sắm trực tuyến sẽ là đối tượng quan trọng để các doanh nghiệp TMĐT Việt nghiên cứu nhằm đưa ra cách tiếp cận người tiêu dùng chính xác hơn, qua đó mở rộng tập khách hàng trong tương lai.

Cùng chung nhận định, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, tiềm năng của thị trường TMĐT Việt Nam còn rất lớn với nhu cầu người dùng rất cao. Tuy nhiên các doanh nghiệp mới chỉ phát triển ở khía cạnh tới người dùng với hình thức thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt nên giá trị thị trường chưa cao, do đó vẫn còn để trống mảng doanh nghiệp - chính phủ, mảng này chính là con đường mà các doanh nghiệp phải đẩy mạnh trong thời gian tới, ông Đoàn đưa ra lời khuyên.

Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin ,Bộ Công Thương, giao dịch TMĐT ở Việt Nam đã đạt mốc 2,2 tỉ USD, con số này được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, dự kiến năm 2015 sẽ đạt 4 tỉ USD.