Trên 80% vốn FDI đổ vào dệt may

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính riêng tổng vốn đầu tư nước ngoài, lĩnh vực dệt may cao cấp chiếm hơn 82% tổng vốn đầu tư, xấp xỉ 200 triệu USD.

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), các dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may và dệt may cao cấp chiếm gần 71% tổng vốn đầu tư thu hút mới trong nước và nước ngoài 6 tháng đầu năm 2014. 

Tính riêng tổng vốn đầu tư nước ngoài, lĩnh vực dệt may cao cấp chiếm hơn 82% tổng vốn đầu tư, xấp xỉ 200 triệu USD.

Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư của Hepza, cho biết với dự báo thị trường dệt may toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3,5% và việc Việt Nam đang tích cực đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nhà đầu tư nước ngoài đã có những dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực dệt may và dệt may cao cấp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố.
May hàng xuất khẩu tại May Nhà Bè. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)
May hàng xuất khẩu tại May Nhà Bè. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)
Cụ thể, các dự án lớn đang trong quá trình triển khai như Dự án sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Worldon Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 140 triệu USD; dự án sản xuất vải dệt cao cấp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sheico Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 50 triệu USD.

Ông Trần Việt Hà cho biết thêm, trong thời gian tới dự báo sẽ có thêm các dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may. Đa số các dự án này hiện tập trung tại các khu công nghiệp mới của Thành phố Hồ Chí Minh như Khu công nghiệp Đông Nam (Củ Chi), Khu công nghiệp Tây Bắc (Củ Chi).

Nhằm tiếp tục thu hút vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, trong thời gian tới, Hepza tiếp tục thực hiện đẩy nhanh tiến độ thành lập các khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ. 

Dự kiến có hai khu công nghiệp hiện đã có quỹ đất là Khu công nghiệp Hiệp Phước - giai đoạn 2 (diện tích 597ha) và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (diện tích 231ha).

Đồng thời, Hepza tiếp tục thúc đẩy tiến độ thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch đối với các khu công nghiệp-khu chế xuất Vĩnh Lộc, Tân Tạo, Tân Thuận và thỏa thuận lại phương án thiết kế đối với khu công nghiệp Xuân Thới Thượng.

Ông Hồ Xuân Lâm, Chánh văn phòng Hepza cho biết, Hepza sẽ xúc tiến thành lập “Diễn đàn ngành công nghiệp hỗ trợ Nhật-Việt” để tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản vào các lĩnh vực ưu tiên. 

Tính đến ngày 30/6, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh vào Hepza đạt trên 333 triệu USD, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần