Trên cây cầu của tình hữu nghị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa thu, nắng dịu, gió thật trong mát. Còn gì vui hơn khi giữa không gian nhẹ nhàng ấy, được sải bước trên cầu của tình hữu nghị Nhật Tân - cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Công trình vĩ đại - Quyết tâm khổng lồ

Trước đây, theo cảm nhận chủ quan của tôi, cầu Nhật Tân cũng "thường thường" như những cây cầu khác. Bởi chả cần đi đâu xa, Hà Nội đã có cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì, rồi Vĩnh Tuy và mới đây là cầu Vĩnh Thịnh lớn lắm, hoành tráng lắm. Chỉ khi bước chân vào Khu đô thị Ciputra, bắt đầu đi lên đường dẫn của cầu Nhật Tân thì khái niệm ấy biến mất hẳn, thấy mình thật thiển cận.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm và kiểm tra thi công dự án cầu Nhật Tân. 	Ảnh: Thanh Hải
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm và kiểm tra thi công dự án cầu Nhật Tân. Ảnh: Thanh Hải
Giữa không gian rộng mênh mông, cây cầu vươn lên cao vút, vững chãi và bề thế. Những dây văng như những dây đàn khổng lồ đang duyên dáng vẽ vào nền trời những âm điệu rộn ràng của cảm xúc. Đặt chân lên nhịp cầu chính, phải ngước mỏi cổ để thấy đỉnh, mới càng thấy thán phục trước công trình vĩ đại này, thán phục trước trí tuệ và công sức của bao người. Để hôm nay, cây cầu đã thật sự vươn mình qua dòng sông huyền thoại của Thủ đô.

Bước chậm rãi trên cầu, tôi chợt nhớ lại những bộn bề của TP với khối lượng công việc đồ sộ, phải giải quyết sao cho đảm bảo tiến độ. Đó là quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cầu Nhật Tân và đường nối đến Sân bay Nội Bài với tổng diện tích đất thu hồi 230ha, liên quan đến hơn 5.000 hộ dân cùng nhiều công trình hạ tầng khác. Riêng việc lên phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã vô cùng khó khăn. Mặc dù là công trình quốc gia, nhưng không phải hộ dân nào cũng hợp tác, đồng thuận. Thắc mắc có, đơn thư khiếu nại có rồi chây ì, bất hợp tác. Chúng tôi đã từng chứng kiến lãnh đạo quận Tây Hồ phải thường xuyên xuống hiện trường, tuyên truyền, vận động, tổ chức đối thoại với người dân, nhất là khi sức ép tiến độ ngày một cao. Để rồi mỗi khi nghe tin đã có thêm vài hộ đã đồng thuận di chuyển, ai nấy đều cảm thấy nhẹ bớt nỗi lo toan. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của lãnh đạo TP, trên tinh thần đảm bảo lợi ích của người dân, "coi tài sản của người dân như tài sản của mình" với nhiều cơ chế chính sách phù hợp cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuối cùng hầu hết người dân đều chấp thuận ủng hộ dự án.
Đến thăm, kiểm tra tiến độ và động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên cầu Nhật Tân mới đây, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị bày tỏ sự phấn khởi khi dự án sắp hoàn thành. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đây là cây cầu đầy ý nghĩa, nối cửa ngõ Thủ đô với thế giới. Giữa bộn bề công việc, nhưng Bí thư Thành ủy vẫn dành nhiều thời gian để chỉ đạo cụ thể những công việc sắp tới sao cho cầu Nhật Tân khi đưa vào khai thác đạt hiệu quả tối đa. Như trong quá trình hoàn thiện dự án, chủ đầu tư cần phối hợp với UBND TP Hà Nội nghiên cứu, triển khai các phương án trang trí, chiếu sáng sao cho đẹp, không chỉ là ánh sáng giao thông đơn thuần mà là cả ánh sáng kiến trúc, mỹ thuật để tạo điểm nhấn cho đô thị.
Món quà đầy ý nghĩa

Trở lại với thực tại, giữa không khí làm việc trên công trường hết sức khẩn trương. Dẫn chúng tôi đi thực tế, đại diện chủ đầu tư PMU 85 (Bộ GTVT) cho biết: Dự án cầu Nhật Tân gồm 3 gói thầu thi công, xây lắp: xây dựng cầu chính và đường dẫn phía Bắc; xây dựng cầu và đường dẫn phía Nam; xây dựng đường dẫn phía Bắc. Đến nay, 3 gói thầu xây lắp đã cơ bản hoàn thành (đạt 97,4% khối lượng), chuẩn bị thông xe kỹ thuật vào tháng 10. Trên cầu chính, từng tốp công nhân hối hả kẻ, vẽ chia làn đường, làm vệ sinh chi tiết đến từng con ốc vít. Mồ hôi lấm tấm trên từng gương mặt, nhưng có thể nhận thấy nụ cười thường trực trên môi mỗi người. Anh Trần Thanh Tùng, công nhân của Cienco 4 mặt đen sạm vì nắng gió nhưng nói hay như nhà văn vậy. Anh cho biết, mọi người đang rất phấn khởi, cố gắng làm thật tốt nhiệm vụ của mình để cây cầu sớm hòa nhịp vào sự phát triển của giao thông Thủ đô. "Bao ngày gian khó qua rồi, thêm chút ít vất vả nữa có vấn đề gì đâu, anh nhỉ" - anh cười thật tươi.

Tiếp chuyện chúng tôi, Giám đốc dự án gói thầu số 1 (cầu chính) - ông Nishi cũng không giấu nổi niềm vui trong ánh mắt. Không vui sao được khi "tuyệt tác" của mình đã hoàn thành gần như 100%, chỉ còn vài động tác trau chuốt lại cho tỉ mỉ hơn trước khi đem ra trình chiếu. Ông cho biết, đây là cây cầu lớn thứ 7 ông làm. Thoạt nghe có vẻ hơi ít, nhưng đứng dưới cây cầu sừng sững như người khổng lồ Atlas vươn mình ngang qua sông thì không ai không thán phục. Bởi đây đều là những công trình thế kỷ, những công trình vươn tới tương lai.

Còn với kỹ sư Bùi Quang Huy của nhà thầu IHI (Nhật Bản), người đã gắn bó với cây cầu từ hồi còn trên… bản vẽ, cảm xúc lúc này cũng thật đặc biệt. Vui, tự hào, bâng khuâng và bắt đầu thấy nhớ nhung nữa. Vì chả còn mấy thời gian nữa, công trình sẽ hoàn thành và nghĩ tới việc phải chia tay "nơi đất ở" mấy năm qua thật không dễ dàng. 
 Cầu Nhật Tân.
Cầu Nhật Tân.
Anh Huy là một trong rất nhiều kỹ sư cao cấp Việt Nam cùng tham gia xây dựng cầu Thanh Trì. Bởi ngoài khả năng về kỹ thuật, anh còn kiêm luôn nhiệm vụ phiên dịch tiếng Anh, tiếng Nhật cho cả lãnh đạo công ty. Chính những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của Nhật cũng đánh giá rất cao về năng lực, tinh thần học hỏi của đội ngũ công nhân, kỹ sư Việt Nam. Giám đốc Nishi cũng cho biết, sau này sẽ luôn giúp đỡ, truyền kinh nghiệm "cho những người Việt Nam trẻ mà giàu nhiệt huyết này".

Với tiến độ như hiện nay, dự kiến ngày 10/10/2014, cầu Nhật Tân sẽ được thông xe kỹ thuật nối với đường 5 kéo dài và cầu Đông Trù. Đây sẽ là món quà đầy ý nghĩa cho Hà Nội trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.q

 
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu đi qua địa bàn quận Tây Hồ và huyện Đông Anh (TP Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. Tổng chiều dài Dự án là 8.933m, trong đó, cầu Nhật Tân dài 3.755m, mặt cắt ngang 33,2m theo quy mô cầu thiết kế vĩnh cửu. Cầu chính là cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp với tổng chiều dài 1.500m (các nhịp chính có chiều dài 300m). Đường hai đầu cầu có tổng chiều dài là 5.178,8m. Trên toàn tuyến sẽ có 4 nút giao, trong đó có 3 nút giao khác mức.
Theo thiết kế được phê duyệt, Dự án cầu Nhật Tân thuộc đường Vành đai II của TP Hà Nội, bắt đầu tại khu vực Phú Thượng, quận Tây Hồ, sau đó chạy song song và cách đường Lạc Long Quân khoảng 420m. Sau khi vượt sông Hồng bằng cầu Nhật Tân (cách cầu Thăng Long khoảng 3,6km về phía Hạ lưu), dự án cắt QL5 kéo dài tại nút giao Vĩnh Ngọc rồi đi thẳng theo hướng Bắc, vượt qua sông Thiếp và kết thúc ở điểm giao với đường Nam Hồng.
Sau khi Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu hoàn thành sẽ kết nối trung tâm TP với các tỉnh phía Bắc và các khu công nghiệp như Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đông Anh - Cổ Loa, Gia Lâm - Yên Viên; hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2, rút ngắn tuyến đường từ trung tâm đến Sân bay Nội Bài. Đây sẽ là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam sau khi hoàn thành, tạo thành một điểm nhấn của kiến trúc ở Thủ đô Hà Nội.