Luật sư Vũ Văn Biên |
- Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chế tài đủ mạnh đã có nhưng việc xử lý ở nhiều nơi còn nương nhẹ. Nhiều khu vực thưa dân cư, khu vực hồ, đầm, ao chưa được xây dựng kè chắn, đường bao vô tình là điểm nhắm lý tưởng để các đối tượng đổ trộm rác, phế thải.
Có những khu vực lại chưa có vỉa hè, tiếp giáp các khu đất trống, đất nông nghiệp, tuyến đường chưa có camera giám sát nên việc phát hiện các đối tượng đổ trộm gặp khó khăn. Hơn nữa, các đối tượng thường đổ trộm vào ban đêm, chỗ có nhiều cây cối che khuất, trong khi lực lượng chức năng của các xã, huyện mỏng, chỉ làm giờ hành chính nên vi phạm xảy ra nhiều nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Ông có thể cho biết việc xử lý vi phạm này được thực hiện thế nào?
- Theo quy định của pháp luật, hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể cá nhân có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng và phạt tù đến 7 năm theo quy định tại Điều 235 Bộ Luật hình sự 2015. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. Đặc biệt đối với pháp nhân thương mại mức phạt tiền lên đến 20 tỷ đồng, có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn theo quy định tại khoản 5 Điều 235 Bộ Luật hình sự 2015.
Đáng lưu ý, Điều 20 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định đối với người điều khiển xe đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất phế thải ra đường phố có thể bị phạt tiền đến 15 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng...
Theo ông, biện pháp để ngăn chặn tái diễn hành vi vi phạm nói trên một cách hiệu quả là gì?
- Trước tiên, cần nâng cao ý thức của người dân, tuyên truyền vận động người dân về hậu quả và mức xử phạt của các hành vi trên. Cùng đó, khuyến khích người dân, có thể treo thưởng cho người phát hiện hành vi đổ trộm phế thải ở những “điểm nóng” báo ngay với lực lượng chức năng.
Các lực lượng chức năng, từ công an xã/phường, quận/huyện, TP; Thanh tra Sở Xây dựng, Sở GTVT, Cảnh sát môi trường cần tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định ở mức cao nhất. Đặc biệt, cần niêm yết công khai kết quả xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân để làm gương cho cộng đồng; cương quyết xử lý hình sự đối các hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm, có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe của người dân.
Xin cảm ơn ông!