Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tri ân 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Lần đầu tiên 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng của cả nước đã có dịp gặp gỡ, tham dự chương trình tại Thủ đô. Các mẹ Việt Nam Anh hùng là hiện thân của dân tộc anh hùng.

Sáng 25/7, chương trình Gặp mặt Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020 đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình và truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng và quà tặng đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tham dự buổi gặp mặt có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư BCH TƯ. Đảng Nông Đức Mạnh; lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ ngành.
Về phía TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.
Và đặc biệt là sự có mặt của 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng đại diện cho 4.962 Mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước về gặp mặt hôm nay.
 4.962 mẹ đang sống đều được các tổ chức, DN và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng.
Chương trình do Bộ LĐTB&XH phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Báo Nhân dân, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Đất nước chúng ta giành được hòa bình đã tròn 45 năm. Trong những năm đằng đẵng chống Pháp và chống Mỹ, có hàng triệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng chung nỗi đau mất chồng, mất con.
Với lòng biết ơn, đạo lý uống nước nhớ nguồn, Đảng và Nhà nước ta đã sớm có chủ trương phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng từ năm 1994 với sự ra đời của Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Từ đó đến nay, đã có 140.000 mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước, Nhân dân phong tặng, truy tặng, chăm sóc và phụng dưỡng.
Chương trình gặp mặt là dịp vô cùng ý nghĩa và đặc biệt. Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam đã cùng nhau đi qua những thăng trầm lịch sử dân tộc, đã sẻ chia cùng nhau sự hy sinh mất mát nhưng lần đầu gặp gỡ nha giữa Thủ đô Hà Nội thân yêu.
Trong không khí trang trọng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã báo cáo về công tác chăm sóc người có công và phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng.
 300 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đại diện cho 4.962 Mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước về gặp mặt hôm nay.
“Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những người Mẹ Việt Nam Anh hùng nhân hậu, tần tảo, thầm lặng với nỗi đau mất chồng, mất con nơi chiến trường để dệt thêu lên những trang sử hào hùng, chói lọi của mảnh đất hình chữ S. Những người Mẹ chấp nhận chia ly, tiễn chồng, con lên đường để rồi ngày đêm lặng lẽ chăm sóc gia đình, làm kinh tế; làm hậu phương cho tuyến đầu.
Những người Mẹ không ngại hiểm nguy, âm thầm nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, tiếp lương, tải đạn. Những người mẹ trực tiếp đối mặt với quân thù, đánh giặc, bị giặc bắt, tra tấn, tù đày,... Những người Mẹ âm thầm nuốt nước mắt vào trong, cạn khô dòng lệ khi “bao lần tiễn con đi, bao lần khóc thầm lặng lẽ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Đến nay sau 25 năm thực hiện, Nhà nước đã phong tặng, truy tặng gần 140 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó tỉnh Quảng Nam có số lượng Mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng, truy tặng nhiều nhất với 15.261 mẹ, tiếp đó là Bến Tre với 6.905 mẹ, Quảng Ngãi với 6.802 mẹ, Hà Nội với 6.723 mẹ...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, 4.962 mẹ đang sống đều được các tổ chức, DN và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng. Về dự gặp mặt lần này, đa phần các mẹ đều đã cao tuổi, 4 mẹ trên 100 tuổi. Mẹ cao tuổi nhất là mẹ Nguyễn Thị Đỗ ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng 104 tuổi. Có 98 mẹ trên 90 tuổi, có 133 mẹ trên 80 tuổi, còn lại 64 mẹ dưới 80 tuổi. 11 mẹ là người dân tộc thiểu số, 7 mẹ thuộc các thành phần tôn giáo, 9 mẹ gia đình có nhiều thế hệ mẹ Việt Nam Anh hùng…
“Danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" là vầng sáng lung linh tôn quý, là sự ghi nhận của Tổ quốc với công lao to lớn và sự hy sinh vô bờ bến của các Mẹ. Các mẹ đang ngồi đây là hiện thân của một dân tộc anh hùng” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Tổ chức buổi gặp mặt 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng cũng là dịp để nhắc nhở thế hệ sau rằng công tác chăm sóc người có công với cách mạng tiếp tục là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài; là tình cảm, lương tâm và trách nhiệm của mỗi tổ chức, mỗi người dân đất Việt.