Tri ân Võ vương Nguyễn Phúc Khoát - người có công định chế áo dài Việt Nam

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/7, nhằm ngày húy kỵ lần thứ 255 (1765 - 2020) của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Hệ 9 Tiền biên tổ chức húy kỵ và tri ân Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát tại lăng Trường Thái và Triệu Tổ Miếu.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ tri ân Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.
Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765), húy là Hiểu và Khải, đạo hiệu Từ Tế Đạo Nhân, hiệu Võ vương, là vị chúa Nguyễn thứ 8 trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765.
Thời chúa trị vì, đất đai, điền thổ được mở mang, góp phần hoàn thành công cuộc Nam tiến của dân tộc. Lãnh thổ Việt Nam đến thời điểm này về cơ bản đã được định hình xong. Thời chúa trị vì, có nhiều cải cách được ban hành như: Phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, Thân quân gọi là Vũ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện. Bộ máy hành chính chia làm 6 bộ Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công.   
Thực hiện nghi lễ tri ân Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.
Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành quy định nhằm định chế lại chế độ y quan trong triều chính, quy định lại chiếc áo dài của cả nam lẫn nữ nhằm phân biệt y phục giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Do đó, Lê Quý Đôn trong sách “Phủ biên tạp lục” đã nhận xét rằng: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy”.
Hình ảnh tại buổi lễ.
Ngày 7/7/1765 (20 tháng 5 Ất Dậu), chúa Nguyễn Phúc Khoát qua đời, thọ 51 tuổi. Ông được táng tại lăng Trường Thái, làng La Khê, Hương Thọ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế.