Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tri Lễ vào mùa nón lá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài năm trở lại đây, bên cạnh nghề làm giò chả, bánh chưng vốn đã nổi tiếng, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, Hà Nội) phát triển thêm nghề làm mũ, nón lá tại thôn Tri Lễ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

So với các thôn khác, mùa hè ở Tri Lễ nhộn nhịp hẳn. Về Tri Lễ những ngày này, người ta dễ dàng bắt gặp người người, nhà nhà, từ già tới trẻ, không phân biệt gái trai tất bật với công việc đan nón, mũ lá. Ông Trần Văn Giáp - Trưởng thôn Tri Lễ cho biết, toàn thôn hiện có hơn 1.000 hộ thì có tới 90% gia đình có người tham gia làm nón, mũ lá. Dù chỉ là nghề phụ nhưng thu nhập từ nghề này tương đối cao. Mỗi chiếc mũ, nón lá thành phẩm được bán buôn với giá khoảng 12.000 đồng, trừ các khoản chi phí cho lãi chừng 6.000 đồng. Nếu mua lẻ, khách hàng có thể  trả cao gấp 2 - 3 lần.

Bà Nguyễn Thị Tập, 75 tuổi, ở Đội 6, thôn Tri Lễ, người có gần 55 năm gắn bó với nghề cho biết, để tạo ra một chiếc mũ, nón lá phải trải qua nhiều công đoạn mà ở đó, từ già tới trẻ đều có thể tham gia. Ví như, trẻ thì phơi - sâu - chụm lá… Người lớn, có kinh nghiệm hơn thì nức vành, uốn cạp, đan khâu thành phẩm… Cứ như vậy, trung bình mỗi ngày, người dân thôn Tri Lễ cho "xuất xưởng" từ 3.000 - 4.000 chiếc mũ, nón lá.

Nguyên liệu sử dụng để làm mũ, nón lá thường là lá cọ được các tiểu thương trong thôn thu mua từ nhiều tỉnh phía Bắc như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… rồi bán lại cho các hộ gia đình. Các hộ mua nguyên liệu về phơi, cắt tỉa, đan khâu, chế tạo thành phẩm rồi bán ngược lại cho các tiểu thương. Từ đây, sản phẩm mũ, nón lá Tri Lễ được phân phối đến với người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành, cũng như xuất cho thương lái một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Với quy trình này, nhiều năm qua, sản phẩm mũ, nón lá Tri Lễ có đầu ra tương đối ổn định. Với nghề làm mũ, nón lá, thôn Tri Lễ đã được TP trao bằng chứng nhận "Làng nghề truyền thống". Ông Nguyễn Anh Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ước cho biết, đây là vinh dự lớn đối với người dân thôn Tri Lễ nói riêng và xã Tân Ước nói chung. Nhờ nghề đan mũ, nón lá mà nhiều năm qua, thu nhập của người dân trong thôn đã được cải thiện đáng kể, dù vẫn thấp hơn một chút so với mức trung bình chung toàn xã (khoảng 23 triệu đồng/người/năm). Tuy mang lại lợi ích kinh tế khá nhưng người dân thôn Tri Lễ vẫn còn đó không ít trăn trở, bởi việc phát triển nghề làm mũ, nón lá với quy mô lớn hơn vẫn là một thách thức.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ước Nguyễn Anh Minh chia sẻ, xã đang phối hợp với các hộ sản xuất trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm mũ, nón lá Tri Lễ, từ đó từng bước nâng cao đời sống cho người dân.