Trích GDP cho nhà ở như cho khoa học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tài chính nhà ở cho người thu nhập thấp là vấn đề quan trọng, cần có sự thay đổi để có được sự công bằng, minh bạch; đồng thời các thành phần trong xã hội có thể chung tay tạo dựng quỹ nhà ở thu nhập thấp.

Khu nhà ở xã hội CT1 Ngô Thị Nhậm, quận Hà Đông.  	Ảnh:  Bá Hoạt
Khu nhà ở xã hội CT1 Ngô Thị Nhậm, quận Hà Đông. Ảnh: Bá Hoạt
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, theo Luật Xây dựng hiện hành, người thu nhập thấp đô thị thuộc đối tượng thứ tư trong số mười đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (NƠXH) của Nhà nước. Do đó tài chính nhà ở thu nhập thấp thực chất cũng chính là tài chính NƠXH dựa trên các khoản trợ cấp của nhà nước. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trợ cấp về nhà ở có thể thực hiện bằng cách trực tiếp cho bên cầu hoặc trợ cấp gián tiếp thông qua bên cung.

Trong vài năm trở lại đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, đặc biệt là việc dành gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã giúp hàng vạn hộ dân có nhà ở. Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, dự báo nhu cầu đến năm 2020 cho loại hình nhà ở này là 1 triệu căn, trong khi đến nay mới chỉ đáp ứng được hơn 10.000 căn hộ/năm. Để có nguồn vốn cho phát triển NƠXH nói chung, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đề xuất. Luật hiện hành đã quy định nhiều hình thức để huy động vốn cho phát triển NƠXH, trong đó quan trọng nhất là ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về nguồn ngân sách Nhà nước của T.Ư và địa phương nên nguồn vốn cho phát triển NƠXH không ổn định. Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cần nghiên cứu phương án trích % GDP cho việc phát triển nhà ở tương tự như quy định % dành cho nguồn nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, người lao động có nhu cầu nhà ở cần nhận thức một cách đầy đủ và trách nhiệm của mình trong tiết kiệm, dành dụm. Nhà nước nên sớm ban hành loại hình khuyến khích tiết kiệm hoặc bắt buộc đối với người đăng ký mua NƠXH. Singapore là quốc gia phát triển đã thông qua hình thức quỹ tiết kiệm bắt buộc khi muốn mua nhà, dù tiền tiết kiệm của mỗi người không lớn nhưng với hàng chục triệu người lại là nguồn vốn không nhỏ.

Với các cơ chế hiện nay, các DN đã quan tâm hơn đến NƠXH nhưng do thủ tục còn rườm rà, lợi nhuận không cao, mất tính tự chủ nên phân khúc nhà ở này chưa hấp dẫn được nhà đầu tư, tỷ trọng NƠXH do DN chủ động đầu tư còn ít. Trước thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng cần thay đổi quan điểm về phát triển NƠXH, đặc biệt là nhà thu nhập thấp tại các đô thị. Một số ý kiến đề xuất phương thức đầu tư hoàn toàn theo cơ chế thị trường và Nhà nước chỉ tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người mua. DN hoàn toàn đầu tư dự án như nhà ở thương mại nhưng phải dành tỷ lệ % theo quy hoạch để xây dựng nhà ở giá rẻ với diện tích 25 - 45m2, vật liệu thông thường, chất lượng đảm bảo. Toàn bộ khoản thu được mà trước đây miễn giảm cho DN, Nhà nước đưa vào quỹ phát triển NƠXH. Cùng với các khoản tài chính do ngân sách Nhà nước cấp, thực hiện trả góp đếm 20 năm lãi suất thấp do Ngân hàng chính sách hoặc quỹ phát triển nhà cho vay (hoặc Nhà nước bù lỗ lãi suất cho ngân hàng thương mại), các chuyên gia kỳ vọng người mua nhà trả góp có thể được hưởng lãi suất thấp ở mức 0,5 - 1% như hiện đang áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Cần hiểu rõ rằng trợ cấp nhà ở không phải là cho hay nhận không mà như định nghĩa của Nghị viện Hoa Kỳ năm 1969 đó là “Biện pháp khuyến khích của chính phủ nhằm tạo điều kiện và thuyết phục một số nhà sản xuất hay người tiêu dùng làm việc gì đó mà vốn họ không muốn làm, bằng cách hạ thấp chi phí cơ hội hoặc nâng cao tiềm năng lợi ích của việc làm đó.
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần