Triển khai 4G: Không khéo lên 5G rồi vẫn ... ngồi chờ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định của chuyên gia viễn thông Mai Liêm Trực về việc triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam.

Tại cuộc tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” vừa diễn ra với sự tham của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông, các nhà mạng và những đơn vị cung cấp thiết bị đầu cuối cho 4G, ông Trần Tuấn Anh, đại diện cho Cục Viễn Thông (Bộ TT&TT) cho biết, có thể phải sang năm 2016, các DN mới được cấp phép để triển khai 4G. Trước mắt, phía Bộ TT&TT đang xem xét thời điểm cấp phép thử nghiệm 4G có giới hạn cho các nhà mạng.

Lý do được phía cơ quan quản lý đưa ra nhằm giải thích cho việc kéo dài thời điểm cấp phép triển khai 4G chính thức là nhằm giúp DN có thời gian chuẩn bị hạ tầng, hòa vốn đã đầu tư 3G cũng như đợi tới lúc nhu cầu của người dùng đủ lớn qua đó tránh đầu tư lãng phí.
Ông Mai Liêm Trực: Cứ chờ đợi như hiện nay, không khéo các nước lên 5G rồi Việt Nam vẫn ngồi chờ tiếp.
Ông Mai Liêm Trực: Cứ chờ đợi như hiện nay, không khéo các nước lên 5G rồi Việt Nam vẫn ngồi chờ tiếp.
Tuy nhiên theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT), nếu đã có tài nguyên để triển khai 4G thì nên cấp phép ngay, không nên cứ chờ đợi như hiện nay, không khéo lên 5G rồi vẫn ngồi chờ tiếp.

Ông Trực cho rằng, việc cấp phép thử nghiệm 4G ở thời điểm hiện tại là quá muộn so với xu thế phát triển chung của công nghệ cũng như tình hình triển khai mạng này trên thế giới. Tại nhiều quốc gia, DN được cấp phép rồi mới tiến hành đầu tư, xây dựng hệ thống. Vậy ở Việt Nam, nếu như không chắc chắn có được cấp phép hay không, liệu DN có dám đầu tư, nhất là DN tư nhân ? Ông Trực đặt câu hỏi.

Về thời điểm Bộ TT&TT dự kiến cấp phép triển khai diện rộng 4G là trong năm 2016, ông Trực cho rằng Bộ  cần cấp phép luôn để DN có thời gian chuẩn bị cơ sở hạ tầng cũng như từng bước đưa dịch vụ ra thị trường. Bởi theo ông Trực, đối với một dịch vụ viễn thông quan trọng như thế này, quãng thời gian từ khi được cấp phép tới lúc cung cấp rộng rãi cũng phải mất 1 - 2 năm.

Cũng theo ông Trực việc chờ đợi đến khi nhu cầu thị trường đủ lớn mới cấp phép 4G là không hợp lý. Tính đến thời điểm hiện tại, đã hơn 10 năm kể từ khi Việt Nam triển khai 3G nhưng vẫn còn không ít người dùng chỉ sử dụng 2G, với 4G cũng là câu chuyện hoàn toàn tương tự. Ông Trực cho biết, thời còn làm Thứ trưởng, khi ông kiên quyết đẩy mạnh việc triển khai công nghệ CDMA ở Việt Nam sớm hơn so với nhiều nước trong khu vực cũng có nhiều người đặt câu hỏi là làm ra thì ai dùng? Tuy nhiên đây chính là tiền đề để những năm về sau thị trường viễn thông Việt có sự phát triển bùng nổ về số lượng thuê bao di động.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, ông Nguyễn Nam Long -Phó Tổng Giám đốc VNPT-Net cũng cho biết, bây giờ là lúc chín muồi để Việt Nam triển khai 4G. Cơ sở hạ tầng của VNPT đã hoàn toàn sẵn sàng, không cần thử nghiệm về công nghệ nữa, nếu Bộ TT&TT cấp phép, có thể đưa vào triển khai diện rộng ngay lập tức.

Về phía đơn vị cung cấp thiết bị hỗ trợ cho 4G, ông Mantosh Malhotra Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Qualcomm đồng tình khi cho rằng hiện tại là thời điểm phù hợp để triển khai 4G, công nghệ này đã được nhiều quốc gia phát triển lâu rồi. Nếu lập tức đưa 4G vào phổ biến, Việt Nam sẽ được hưởng lợi ngay từ các quốc gia đi trước như giá cả các thiết bị đầu cuối rẻ hơn, có sẵn các mô hình kinh doanh hiệu quả dựa trên nền công nghệ này ...

Giá thành của các thiết bị sử dụng công nghệ này theo giải pháp của Qualcomm đang ở mức dưới 200 USD, trong thời gian tới sẽ còn hạ hơn nữa. Đồng thời, trong năm 2016, Qualcomm sẽ tiếp tục ra mắt các công nghệ mới, khi đó smartphone 4G có thể hỗ trợ cả 3G, 2 SIM, cũng như xem video chất lượng cao nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dùng, đại diện hãng công nghệ này cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần