Triển khai công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị về việc triển khai công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản (gọi tắt là nông sản) trên địa bàn thành phố năm 2014.

Theo đó, để tăng cường công tác quản lý nhà nước, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông sản, chú trọng tuyên truyền phổ biến Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với đó, tăng cường năng lực của các phòng, ban, cơ quan chuyên môn thuộc huyện để tham mưu giúp UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông sản trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ việc kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông sản trên địa bàn quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩn nông sản và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp. Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện về chất lượng, an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý. Chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phối hợp với cơ quan quản lý trong việc xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông sản có vi phạm...

Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông của trung ương và thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông sản trên địa bàn thành phố. Tham mưu và đề xuất giải pháp triển khai có hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông sản tại các địa phương; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông sản và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp. Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đạo chúng danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện về chất lượng, an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.