Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

An Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng; xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh, không để phát sinh ổ dịch mới; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn làm lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp che giấu, không khai báo kịp thời động vật mắc bệnh.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại gạo; tái cơ cấu mạnh mẽ công tác thu mua lúa gạo; có giải pháp gia tăng giá trị cây lương thực, giảm sản lượng lúa đối với các vùng trũng, vùng nhiễm mặn.
Về một số giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh, Chính phủ thống nhất cho phép UBND cấp tỉnh sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương và nguồn kinh phí hợp pháp khác hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh động vật lây lan, kể cả khi xuất hiện dịch bệnh nhưng chưa được công bố dịch theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức từ 1,5 đến 2,0 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh.

Chủ vật nuôi được hỗ trợ khi có lợn buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn; trong quá trình triển khai phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, dưới sự giám sát của MTTQ các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách.

Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện ngay việc mua theo kế hoạch và dự trữ lưu thông lúa, gạo theo đúng quy định, can thiệp đúng mức theo quy luật thị trường để bảo đảm giá lúa có lợi cho người nông dân.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan sớm hoàn thành việc phê duyệt và chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; xử lý dứt điểm vướng mắc trong việc chuyển giao các dự án của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Các bộ, ngành, địa phương chú trọng phát triển mạnh các ngành dịch vụ, tập trung vào ngành dịch vụ tiềm năng, ứng dụng công nghệ cao như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… bảo đảm ngành dịch vụ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng GDP.