Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm qua (28/10), bão số 8 đã gây mưa lớn tại nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng Bắc bộ và duyên hải miền Trung. Các địa phương đã và đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão.

Liên tục chuyển hướng

Đúng như nhận định của ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, bão số 8 di chuyển khá phức tạp và liên tục đổi hướng. Trong các ngày 25 và 26/10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư chưa dám khẳng định vị trí bão đổ bộ. Tuy nhiên, đến tối 27/10, bão số 8 đã di chuyển vào khu vực bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sáng ngày 28/10, bão lại "bẻ hướng" vào các tỉnh từ Thái Bình - Nghệ An. Đến 16 giờ ngày 28/10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, bão sẽ không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh nào mà quét dọc vùng biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh. "Đây là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh nhất và cường độ mạnh nhất từ đầu năm đến nay, gần giống với cơn bão Lekima năm 2007. Đặc biệt, bão không đổ bộ vuông góc mà quét dọc các tỉnh ven biển" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói.

Từ chiều 28/10, bão số 8 đã gây ra mưa lớn tại nhiều địa phương. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, chiều 28/10, đường đê nối liền đảo Hòn Cỏ với Hòn La (Khu Kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) đã bị sóng biển xé toang nhiều đoạn, có đoạn dài 50m. Đoạn đường đê này có tổng chiều dài 330m, rộng 9m, thân đê đắp bằng đá và được chắn bằng nhiều khối bê tông tản sóng, mỗi khối nặng 16 - 25 tấn. Tại Nghệ An, đến chiều 28/10, trên địa bàn tỉnh đã có 1 ngư dân bị mất tích là anh Hoàng Văn Đông, 46 tuổi, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu.

Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp - Ảnh 1

Người dân ven biển Thanh Hóa chuẩn bị sơ tán tránh bão.

Nhiều biện pháp ứng phó

Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, đến sáng 28/10, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với chính quyền địa phương  hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho gần 57.000 tàu, thuyền với hơn 260.000 người và 1.796 lồng, bè, chòi canh với 3.540 người phòng tránh bão. Các địa phương cũng đã tổ chức sơ tán hàng chục ngàn người tại các vùng ven biển, nơi nguy hiểm đến nơi tránh bão an toàn.

Ngày 28/10, tỉnh Thanh Hoá đã phải di dân khẩn cấp đối với hơn 12.000 hộ dân sống cách mép nước 200m thuộc các huyện ven biển Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hoá, Tĩnh Gia, Sầm Sơn, Quảng Xương về nơi an toàn.

Tại Nghệ An, đến sáng 28/10, toàn tỉnh tổ chức sơ tán 1.993 hộ với 8.970 người đến nơi an toàn. Trường hợp mưa bão diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục sơ tán 16.030 người. Tỉnh Hà Tĩnh cũng tổ chức di dân, sơ tán 393 hộ, 1.099 nhân khẩu thuộc các huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh, Lộc Hà... Cũng trong ngày 28/10, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Thái Bình đã liên tiếp có các công điện khẩn cấp yêu cầu các cấp, ngành thực hiện các biện pháp ứng phó với bão. Đến trưa 28/10, tỉnh đã kêu gọi được 22 phương tiện với 133 lao động đang đánh bắt xa bờ vào neo đậu tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh; 383 phương tiện hoạt động tại khu vực ven biển Thái Bình, với 1.244 lao động về nơi an toàn.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất trồng trọt, đặc biệt là cây trồng vụ Đông 2012 tại các tỉnh phía Bắc, Cục Trồng trọt cũng có Công điện gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Hồng. Trong đó yêu cầu, huy động tối đa mọi nguồn lực để tận thu nhanh, gọn diện tích lúa Mùa còn lại, diện tích rau màu, sắn, mía ở những vùng trũng, vùng thấp có nguy cơ bị ngập úng cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương tiện chủ động ứng phó mưa, bão.

Hà Nội: Chủ động chống ngập, tiêu úng

Trong ngày 28/10, 100% quân số của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã được huy động ứng trực tại các địa bàn được phân công. Công ty đã huy động toàn bộ các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng bão, ứng trực sẵn sàng giải toả cây đổ, cành gẫy... Ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, Công ty đã huy động 100% công nhân ứng trực tại các vị trí trọng điểm úng ngập, sẵn sàng ứng phó khi có mưa to. Đặc biệt, trong ngày 27/10, đã chỉ đạo Cụm trạm bơm đầu mối Yên Sở hạ mực nước tại các hồ điều hòa, kênh dẫn, kênh bao để khi có mưa to sẵn sàng bơm nước ra sông Hồng. 

Ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tính đến cuối giờ chiều 28/10, tuy Hà Nội mưa cả ngày nhưng do lượng mưa nhỏ nên tình hình đê kè, các công trình thủy lợi và cây trồng vụ đông trên địa bàn thành phố chưa bị ảnh hưởng. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo trực tiếp các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện các phương án phòng chống bão theo kế hoạch và phương án đã lập. Các công ty đầu tư phát triển Thủy lợi: Sông Nhuệ, Hà Nội, Sông Đáy, Mê Linh; Công ty Thủy lợi Sông Tích chủ động thực hiện tiêu nước đệm ngay và kiểm tra vận hành các công trình, đáp ứng yêu cầu chống úng ngập khi có mưa lớn... Hiện các đơn vị, quận, huyện đều thực hiện công tác ứng trực 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống, đồng thời thường xuyên báo cáo tình hình về Ban chỉ huy PCLB TP.

Sẵn sàng nhân lực, thực phẩm, thuốc, hóa chất ứng phó với bão số 8

Liên tiếp trong các ngày qua, Bộ Y tế đã có các công điện khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các đơn vị theo dõi sát diễn biến của thời tiết, chủ động ứng phó với bất thường của mưa, bão, phát huy phương châm 4 tại chỗ, đối phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra đặc biệt là những vùng dự báo tâm bão đi qua. Đồng thời, chủ động sẵn sàng nguồn nhân lực, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão; trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa bão. Các đội cấp cứu cơ động luôn sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh... Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương trên phối hợp với các sở, ban, ngành tại địa phương chủ động đối phó với tình huống bị mưa lũ chia cắt dài ngày, hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo ATVSTP, phương pháp xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, thực hiện nếp sống vệ sinh để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.

Để kịp thời hỗ trợ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi chủ động trong công tác ứng phó với cơn bão số 8, Bộ Y tế đã cấp cho Sở Y tế các tỉnh trên mỗi tỉnh 10 cơ số thuốc phòng chống lụt bão và 75.000 viên khử khuẩn aquatab, 100 chiếc áo phao cứu sinh.

Hải Lý