70 năm giải phóng Thủ đô

Triển khai dự án thu phí không dừng: Phát sinh nhiều điểm nghẽn mới

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần một tháng trôi qua kể từ khi Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, nhiều vướng mắc cố hữu của dự án này vẫn chưa được giải quyết.

“Đả thông” nhiều điểm nghẽn
Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định 07/2017 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng được giới chuyên môn đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng như một thanh “thượng phương bảo kiếm” giúp Bộ GTVT tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại và đưa dự án thu phí không dừng (ETC) về đích đúng hạn. Quyết định này có hiệu lực từ 1/8/2020, tức là tính đến thời điểm này, Bộ GTVT đã có thanh “thượng phương bảo kiếm” này trong tay gần một tháng cùng rất nhiều kỳ vọng về những bước đột phá trong tiến độ triển khai dự án ETC.
Mới đây, thông tin về tiến độ dự án ETC, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, giai đoạn 1 có 44 trạm, đã lắp đặt, vận hành 40 trạm trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và các trạm trên các tuyến quốc lộ khác.
 Trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Riêng 5 tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, chỉ có 1 tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đã đưa vào vận hành 15 làn, 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về nguồn vốn để thực hiện. Giai đoạn 2 gồm 33 trạm, hiện đã đàm phán ký phụ lục hợp đồng được 17 trạm với các nhà đầu tư. Như vậy, tiến độ triển khai ETC tại các dự án BOT đang tương đối khả quan.
Riêng điểm nghẽn được giới chuyên môn đánh giá là “mãn tính” và khó thể giải quyết trong một sớm một chiều tại các dự án của VEC, Bộ GTVT đang tính đến một giải pháp riêng, đó là triển khai thu ETC theo hướng VEC đầu tư, vận hành hệ thống thiết bị tại trạm thu phí, kết nối với trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ. Hiện giải pháp này đã được Thủ tướng chấp thuận. Trong thời gian tới, nếu vướng mắc tại các tuyến cao tốc của VEC được tháo gỡ, dự án ETC giai đoạn 1 sẽ dễ dàng băng băng về đích.
Tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông thấp
Trong khi những vướng mắc về mặt cơ chế của dự án ETC đang dần được tháo gỡ thì đã xuất hiện những bất cập mới nảy sinh. Đó là tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng cho việc trả phí không dừng đang đạt tỷ lệ quá thấp.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước mới chỉ có khoảng 900.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện được dán thẻ ETC. Nhưng đây không phải là vấn đề lớn nhất. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng hiện mới chỉ đạt khoảng 20%.
Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư BOT liên tục than thở rằng lưu lượng phương tiện thấp và doanh thu sụt giảm so với phương án tài chính ban đầu cũng khiến cho công tác triển khai ETC gặp khó. Ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (Bộ GTVT) cho biết, theo số liệu báo cáo của các DN, tính đến nay, trong 60 dự án BOT đang khai thác do Bộ GTVT quản lý có 49 dự án đạt doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính. Trong đó, 2 dự án có doanh thu chỉ đạt 13 - 15% là Quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn và cầu Thái Hà trên Quốc lộ 39 nối Hà Nam - Thái Bình. Trên thực tế, đây là “bài” đã được không ít nhà đầu tư sử dụng trong thời gian qua.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, Bộ GTVT cần phải xác minh rõ, việc các dự án BOT sụt giảm doanh thu do lưu lượng phương tiện giảm có thật sự chính xác hay không bởi đây là “điệp khúc” được các nhà đầu tư “ca đi ca lại” rất nhiều lần trong nhiều năm qua. “Đây là việc cần làm ngay bởi trên thực tế trong thời gian qua đã có không ít vụ việc trạm BOT gian dối trong kiểm đếm phương tiện, dẫn đến báo cáo doanh thu thấp hơn nhiều so với thực tế” – ông Bùi Danh Liên nhận định.
Một điều nghịch lý được nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhắc tới là nếu các trạm BOT áp dụng ETC thì sẽ không cần phải mất nhiều thời gian tính toán, chứng minh thiệt hại khi doanh thu sụt giảm bởi tất cả đã được máy móc lưu lại một cách tường minh. Thế nhưng, hiện các nhà đầu tư lại đang nhắm vào đúng “điểm yếu” này của thu phí thủ công để gây khó khăn cho việc triển khai dự án. 

"Triển khai thu phí tự động không dừng là giải pháp tối ưu, minh bạch hóa thu phí tại các trạm thu phí hoàn vốn BOT. Vì vậy, Bộ GTVT sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng tại các trạm thu phí do địa phương quản lý bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Bộ GTVT sẽ tập trung đôn đốc các nhà cung cấp dịch vụ thu phí, các nhà đầu tư BOT thực hiện đúng các nội dung Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Quyết định 19/2020.

Bộ GTVT sẽ phối với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN xử lý các vướng mắc liên quan đến việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án do VEC quản lý, bảo đảm sớm triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. " - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ


Chừng nào chưa áp dụng ETC thì chừng đó tiêu cực, sai phạm trong công tác thu phí còn tồn tại. Chỉ khi có ETC việc thu phí BOT mới thật sự minh bạch.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên