Triển khai dự án Vành đai phía Tây, ưu tiên nơi cần mặt bằng

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do giới hạn về nguồn vốn, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ đề nghị không phê duyệt đại trà mà ưu tiên những vị trí cần mặt bằng trước khi triển khai dự án Vành đai phía Tây.

Ngày 22/3, Tổ công tác Thành ủy Cần Thơ họp về tiến độ thực hiện dự án Đường vành đai phía tây (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C).

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Dự án bị ảnh hưởng khoảng 1.380 trường hợp. Đến nay, đã tiến hành kiểm đếm nhà, vật kiến trúc, cây trồng được 1.359/1.380 trường hợp (đạt 98,5%).

UBND các quận, huyện đã ban hành Quyết định phê duyệt chi phí bồi thường cho 416 hộ dân với số tiền là 649,457 tỷ đồng. Đã chi trả cho 392 hộ dân với số tiền là 618,035 tỷ đồng. Chiều dài mặt bằng bàn giao có thể triển khai thi công tính đến tháng 3/2023 là 3,20/19,251 km (17%).

Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ phát biểu chỉ đạo. 
Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ phát biểu chỉ đạo. 

Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, các khu tái định cư ở quận huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa áp giá nền nên chưa đủ điều kiện bàn giao làm ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo khái toán sơ bộ của các địa phương (theo giá đất 2022) kinh phí cho toàn bộ dự án dự kiến tăng. Với kinh phí được duyệt ban đầu chỉ giải quyết cho khoảng 40% số hộ, còn lại 60% phải chờ điều chỉnh chủ trương mới tiếp tục triển khai.

Trong năm 2023, số vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng dự án này là 225 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu của dự án. Do chưa điều chỉnh được tổng mức đầu tư nên chỉ tập trung giải phóng mặt bằng cho các gói thầu đã triển khai. Do đó, Sở đề nghị 4 quận huyện có dự án đi qua đẩy nhanh bàn giao mặt bằng cho các vị trí ưu tiên trong tháng 4 tới để các gói 16,17,19 và 20 tập trung thi công.

Bên cạnh đó, việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng còn chậm. Cụ thể là tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt công trình hạ tầng kỹ thuật như cáp viễn thông, cấp nước, đường dây điện trung thế, hạ thế. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất các quận huyện vẫn chưa ký hợp đồng với các đơn vị thiết kế để làm những bước tiếp theo.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ đề nghị, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, đặc biệt là chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch chi tiết để có lộ trình triển khai dự án, giải quyết những khó khăn, vấn đề phát sinh.

Về vấn đề giải phóng mặt, cần tập trung giải quyết bố trí tái định cư, nhanh, chất lượng, đảm bảo pháp luật. Từ thời gian thông báo đến khi thu hồi đất phải có sự đồng thuận của người dân. Trong đó, lưu ý, quyết định thu hồi đất, quyết định phương án bồi thường phải được ký cùng ngày.

"Do túi tiền của chúng ta có giới hạn nên khi quyết định bồi thường phải tính toán, không để đã có quyết định bồi thường rồi mà tiền không có. Hơn nữa, chúng ta không phê duyệt đại trà mà ưu tiên những vị trí cần mặt bằng trước”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiển, thực tế những người dân nhận nền tái định cư chỉ có 30% là xây nhà, còn lại 70% là bán nền. Do đó, chúng ta có thể đẩy mạnh phương án tái định cư phân tán. Ngoài ra 2 quận Ninh Kiều, Cái Răng có thể tính thêm phương án xây chung cư tái định cư, như vậy mới đủ để bố trí. Tùy điều kiện từng địa phương, thành phố triển khai phương án tái định cư tập trung, tái định cư phân tán bằng tiền hoặc xây dựng chung cư tái định cư.

Về công tác xây lắp, ông Dương Tấn Hiển đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng thời gian, quyết tâm sẽ hoàn thành trong năm 2025. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố nghiên cứu sắp xếp nguồn vốn, cắt luôn những công trình chưa xong, để lại nhiệm kỳ sau, đồng thời lấy vốn đó để ưu tiên cho những công trình đang cần gấp. Giao Sở GTVT thành phố rà soát lại vốn để phân bổ hợp lí, đề xuất sớm để điều chỉnh tổng mức đầu tư.

 

Dự án đường Vành đai phía Tây khởi công ngày 17/11/2022, Sở GTVT TP Cần Thơ làm chủ đầu tư dự án này với tổng mức vốn hơn 3.837 tỷ đồng. Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ, còn lại địa phương cân đối. Thời gian thi công hoàn thành trong năm 2026.

Dự án đi qua 5 quận huyện gồm: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và Phong Điền, khi hoàn thành kết nối QL91 và QL61C. Hơn 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này, trong đó, quận Ô Môn có gần 500 trường hợp, quận Bình Thủy có 396 trường hợp, huyện Phong Điền có 300 trường hợp và quận Cái Răng có 38 trường hợp bị ảnh hưởng.