Triển khai hiệu quả Công ước chống tra tấn, bảo đảm quyền con người

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn, ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước trên toàn quốc và chỉ định Bộ Công an làm cơ quan đầu mối triển khai.

Ảnh minh họa

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, đồng thời ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện trong toàn lực lượng Công an nhân dân để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công ước chống tra tấn, góp phần thúc đẩy và bảo đảm tốt hơn quyền con người ở Việt Nam.

Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước chống tra tấn) là văn kiện pháp lý quốc tế đa phương thể hiện ý chí của cộng đồng quốc tế trong việc kiên quyết loại bỏ hành vi tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục đối với con người vì bất cứ lý do gì ra khỏi đời sống xã hội. Công ước được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 10/12/1984 theo Nghị quyết số 39/64 và có hiệu lực vào ngày 26/6/1987 sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu tham gia Công ước và các nội dung đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Công an đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề xuất ký và hồ sơ đề xuất phê chuẩn Công ước chống tra tấn.

Ngày 28/11/2014, tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước. Việt Nam hoàn tất các thủ tục và nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký LHQ vào ngày 5/2/2015 và trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước.

Sau khi phê chuẩn, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn. Sau hơn 6 năm thực thi Công ước, các kết quả đạt được là rất tích cực, tập trung vào 4 nhóm hoạt động chính bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước chống tra tấn; Nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đáp ứng yêu cầu của Công ước chống tra tấn; Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn; Xây dựng các báo cáo thực hiện Công ước chống tra tấn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần