Chậm ra văn bản hướng dẫnBáo cáo tại Hội nghị trực tuyến “Đánh giá triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công” ngày 16/5, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 21/6/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm. Con số được bộ này đưa ra là mới có khoảng 50% bộ, ngành, địa phương ban hành đã ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản. Các bộ chậm trễ được nhắc tên gồm: Y tế, GD&ĐT, LĐTB&XH.
Để đảm bảo các quy định của Luật được triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa trên thực tế, đề nghị các cơ quan chức năng rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về phân cấp thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công; tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực quản lý, trong đó đặc biệt là tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục.Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang |
Các bộ này chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nên các bộ, ngành, địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, một số bộ, ngành chưa ban hành tiêu chuẩn định mức tài sản chuyên dùng, là các ngành có khối lượng tài sản lớn. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính đôn đốc, phối hợp với các bộ để sớm có hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức.
Ngoài ra, cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính, một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kịp thời các văn bản phân cấp thẩm quyền. Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương tiếp tục sử dụng quy định phân cấp đã ban hành trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành. “Điều này có thể dẫn đến sai thẩm quyền khi quyết định mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý tài sản công, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Nguyên nhân do một số bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động trong việc triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công” - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) La Văn Thịnh cho biết.
Khẩn trương ban hành quy định về tài sản có giá trị lớnLà một trong những đơn vị được nhắc tên vì chậm trễ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) Trần Tú Khánh đã nhận trách nhiệm, đồng thời khẳng định: "Từ giờ tới cuối năm, Bộ sẽ ban hành dứt điểm danh mục”.
Thời gian tới, để triển khai hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đề xuất các Bộ trưởng, UBND cấp tỉnh khẩn trương ban hành quy định về tài sản có giá trị lớn để phân định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê. Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi khẩn trương hoàn thành việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản hiện có để thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác theo quy định.
Ngoài ra, Bộ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; xử lý kịp thời nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Việc hiện đại hóa quản lý tài sản công và nâng cấp cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công để quản lý tất cả các tài sản công cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh triển khai.
Trong quá trình thực hiện Luật quản lý tài sản công, phản ánh của các bộ, ngành, địa phương cho thấy một số vấn đề cần được tập trung trao đổi để hoàn thiện. Đó là việc phân cấp quản lý tài sản công cần được phân cấp mạnh hơn nữa, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý, sắp xếp tài sản công của bộ, ngành, địa phương mình, kể cả việc quyết định hình thức bán đấu giá tài sản trên đất để nộp vào Ngân sách Nhà nước; một số quy định cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng, đặc biệt, việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất thuộc DN nhà nước 100% do Nhà nước sở hữu cũng như trên 50% vốn của Nhà nước. Trong đó, có mô hình các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chuyển sang mô hình công ty mẹ, công ty con cũng cần hướng dẫn cụ thể để thực hiện.Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà |