Triển khai thi hành Hiến pháp 2013: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành và đi vào cuộc sống hơn 5 năm qua. Nhìn lại có thể thấy, dù vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng Hiến pháp 2013 đã có nhiều tác động đối với sự phát triển của Thủ đô.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, qua 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 trên địa bàn TP đã có nhiều tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, ảnh hưởng tích cực đến việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, xuất nhập khẩu, việc làm cũng như an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Hiến pháp, pháp luật, TP Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
 Ảnh minh họa.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, vai trò, nội dung của Hiến pháp của một số cơ quan, đơn vị còn chưa đảm bảo thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, lực lượng báo cáo viên pháp luật cấp TP, quận, huyện tham gia tuyên tuyền về Hiến pháp cho cơ sở còn thiếu.
Tại tọa đàm về triển khai thi hành Hiến pháp 2013 do Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức mới đây, TS Vũ Thúy Hiền (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho biết, trong 5 năm qua, TP Hà Nội đã chủ động, tích cực, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật Thủ đô để triển khai trong cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực của TP.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần tháo gỡ như: Sự phối hợp giữa TP và một số bộ, ngành trong việc xây dựng văn bản triển khai cụ thể hóa Hiến pháp còn chậm. Việc triển khai, thi hành Luật Thủ đô phải phụ thuộc vào các luật khác như Luật Ðất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… nên việc thực thi bị hạn chế. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô phù hợp với Hiến pháp 2013, đồng bộ thống nhất với các quy định luật chuyên ngành, bảo đảm tính khả thi của các cơ chế đặc thù trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô.
Đánh giá về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý Nhà nước được quy định trong Hiến pháp, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đi vào thực tiễn với những kết quả cụ thể. Điều này góp phần tăng cường nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, tạo nên niềm tin trong Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Trong khi đó, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Phan Vũ cho rằng, để thực hiện tốt hơn nữa nội dung về quản lý cán bộ, công chức, viên chức cần tăng cường chất lượng cán bộ, trong đó nâng cao trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn... Bên cạnh đó, cần xây dựng mô hình cán bộ công chức, viên chức chính quy để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn, có như vậy mới nâng cao được hiệu quả việc triển khai thi hành Hiến pháp.

Sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, kinh tế - xã hội của Thủ đô đạt được những kết quả tích cực và toàn diện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) duy trì tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước: Bình quân 3 năm (2016 - 2018), tăng 7,36%; dự kiến giai đoạn 2016 - 2020, tăng từ 7,37% đến 7,45%. Đóng góp của Hà Nội đạt 16,63% GDP và 17,19% thu ngân sách cả nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần