Triển lãm nội tạng người: Muốn dừng tổ chức phải chờ quy trình

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Triển lãm “Sự bí ẩn của cơ thể người” diễn ra ở nước nào cũng gặp phải luồng dư luận phản đối. Vì độ nhạy cảm, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã từng từ chối cấp phép cho triển lãm này. Đơn vị tổ chức đã đề nghị Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh cấp phép và được phép trưng bày từ 21/6 đến 31/12. Trước phản ứng của dư luận, Cục đang chờ đơn vị cấp phép báo cáo để tham mưu với Bộ hướng khắc phục và xử lý” – ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL thông tin tại cuộc họp báo chiều 5/7.

Ám ảnh về xác người đã mất

Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” do Công ty Mega Vina (đơn vị quảng bá và phát triển các nội dung chương trình Hàn Quốc tại Việt Nam) tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên từ 21/6 đến 31/12, tổ chức bán vé với giá 200 nghìn đồng/người. Triển lãm đang thu hút số đông người xem, không phải vì giá trị chương trình mang lại, mà vì sự tò mò sau những phản ứng phản cảm. Tại triển lãm, ngoài sinh viên y khoa thích thú, thì hầu hết công chúng có cảm giác rùng rợn, thậm chí nhiều người còn sợ hãi.

Triển lãm trưng bày 137 mẫu vật cơ thể người thật (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người). Theo báo cáo của Ban tổ chức, các mẫu vật đã được nhựa hóa bằng công nghệ plastination trong bảo tồn xác người, trưng bày trong không gian hai tầng, chia thành 8 khu tại triển lãm theo các chủ đề: Hệ cơ, hệ xương, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ tuần hoàn sơ sinh. Triển lãm trưng bày từ bà mẹ mang thai với tư thế bị mổ bụng, đến các thai nhi nằm chỏng chơ, những bộ phận cơ thể bị cắt rời… Xem triển lãm, nhiều người cảm giác ám ảnh khi biết những cánh tay, bàn chân, hộp sọ, từng túi mật, lá gan… đang nằm chỏng chơ trên bàn hay những thi thể người đang nhìn trừng trừng vào người xem không phải là mô hình mà chính là của những con người thật. “Tôi thấy những vật mẫu trưng bày rất phản cảm. Ban tổ chức đã cố đánh vào sự tò mò của người xem để bán vé chứ chẳng có ý nghĩa giáo dục gì ở đây cả” - TS. Vũ Thế Long - người đã có nhiều năm nghiên cứu về cơ thể học và hình thái học bày tỏ. Ông Long cho biết thêm, ở Việt Nam đã từng diễn ra triển lãm về cơ thể con người, nhưng mang tính khoa học, không nặng yếu tố khơi gợi sự ám ảnh tàn ác và thương mại hóa như “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người”.

Cục từ chối vì sao Sở cấp phép?

Theo thông tin từ cuộc họp báo của Bộ VHTT&DL chiều 5/7, bà Trần Thị Thu Đông – Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Đầu năm 2018, đơn vị tổ chức từng đưa hồ sơ xin cấp phép tổ chức tại Hà Nội. Tuy nhiên, Cục trưởng cho rằng chuyên ngành trong triển lãm thuộc Bộ Y tế, nên Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm không có thẩm quyền cấp phép. Lãnh đạo Cục cũng bày tỏ nội dung triển lãm chỉ phù hợp nếu diễn ra trong khuôn viên của trường Đại học Y hơn là đơn vị văn hóa”. Thế nhưng, nếu như Ban tổ chức “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” lại nhận được sự đồng tình của cơ quan cấp địa phương, cụ thể là Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh. Dư luận đang đặt câu hỏi về độ chênh trong cách nhìn nhận của các cơ quan quản lý chuyên ngành văn hóa. Hơn nữa, Ban tổ chức cho rằng triển lãm đã được cấp phép ở nhiều quốc gia trên thế giới. Song thực tế, triển lãm đã bị Australia từ chối tổ chức. Hơn nữa, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng thừa nhận, ở những nơi từng diễn ra, triển lãm nhận được luồng dư luận phản đối nhiều hơn số người ủng hộ.

Mặc dù dư luận bất bình về sự phản cảm của triển lãm, nhưng hiện nay, Bộ VHTT&DL chưa thể “tuýt còi” yêu cầu dừng tổ chức, thu hồi giấy phép vì còn phải chờ báo cáo của đơn vị cấp phép (trước ngày 10/7). Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ VHTT&DL, ngày 6/7, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành sẽ làm việc trực tiếp với Sở VH&TT Hồ Chí Minh, sau đó có báo cáo độc lập với Bộ.