Là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, trong kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia quân đội và từng vẽ hơn 500 bức ký hoạ về cuộc chiến đấu ác liệt và cuộc sống của quân dân Bình Trị Thiên anh hùng, đặc biệt là 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Nhiều tác phẩm của ông được giải thưởng trong nước và quốc tế.
Sau khi giải phóng Quảng Trị, ông cùng đơn vị tiến vào giải phóng Sài gòn. Hành quân chiến đấu tại căn cứ của địch ở Nước Trong (Đồng Nai), ông bị thương nặng, hỏng hai mắt và ngất đi. Khi tỉnh lại nghĩ mình không sống được, ông đã dùng ngón tay lấy máu ở mắt vẽ chân dung Bác Hồ, bên dưới viêt dòng chữ: “Ánh sáng niềm tin. Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”.
Được chuyển về hậu phương với 91% thương tật (thương binh hạng 1/4 ), hai mắt được chữa nhiều lần nhưng tới nay ông chỉ còn phân biệt được sáng và tối. Tuy tàn nhưng chẳng những không phế mà trong hoàn cảnh chỉ còn dựa vào trí nhớ và đôi bàn tay, với lòng đam mê sáng tác và nghị lực phi thường, ông vẫn không ngừng vẽ và tạc tượng giàu ý nghĩa và tinh thần lạc quan.
Dù đôi mắt đã hỏng nhưng Lê Duy Ứng vẫn vẽ và tạc tượng được gần giống như tượng Bác Hồ đi chiến dịch, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, chân dung sơn dầu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Anh hùng phi công Vũ XuânThiều. Ngoài ra còn một số tượng rất đẹp về phụ nữ như tượng: Vợ tôi, Thiếu nữ tắm, Nữ thanh niên xung phong… Cuộc triển lãm tổ chức tại nhà riêng số 102, phố Đông Thiên, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, mở cửa thường xuyên để người nghệ sĩ rất đặc biệt này có điều kiện thân tình tiếp xúc với người xem
Mời độc giả cùng chiêm ngưỡng một số tác phẩm của hoạ sĩ, Đại tá thương binh, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVT) Việt Nam Lê Duy Ứng: