Triển lãm trưng bày tư liệu quý về Trường Sa và Hoàng Sa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (12/5), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Triển lãm trưng bày tư liệu quý về “Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lần đầu tiên tại Thanh Hóa.
Các đại biểu cắt băng khai mạc cuộc triển lãm.
Các đại biểu cắt băng khai mạc cuộc triển lãm.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  Nguyễn Bắc Son cho rằng: Việc công bố các tư liệu, bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam để tăng cường nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng trong tình hình hiện nay. Các tư liệu, hiện vật được trưng bày tại triển lãm là một phần các bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được ở trong nước và các nước trên thế giới, trong đó có cả từ Trung Quốc, góp phần minh chứng cho chủ quyền của Việt Nam. Các tư liệu, hiện vật này cũng cung cấp cho bạn bè quốc tế trong đó có cả người dân Trung Quốc hiểu được bằng chứng lịch sử, hiểu được mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam trong việc gìn giữ, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực…

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam là một hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thông qua các tư liệu lịch sử được công bố.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các đại biểu tham quan, nghe thuyết minh về những tư liệu về “Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”tại phòng trưng bày của Thư viện tỉnh Thanh Hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tham quan triển lãm “Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”
Với nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày tại cuộc triển lãm lần này là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế. Triển lãm sẽ được trưng bày các nhóm tư liệu chính, như: Văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt nhà nước Việt Nam đương thời, ban hành; Phiên bản của các văn bản Hán Nôm khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam…

Đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn; Phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ban hành trong thời kỳ 1954-1975; Phiên bản của các văn bản hành chính của nhà nước Cộng hòa XHCH Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay; một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay…
Các bạn Sinh viên của các trường đại học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang xem những tư liệu quý.
Sinh viên của các trường đại học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang xem những tư liệu quý.
Cũng tại cuộc triễn lãm này, ban tổ chức còn trưng bày 4 tập bản đồ atlas và 30 bản đồ do Trung Quốc xuất bản, phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử, cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong đó, có  4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản, gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933). Ngoài ra, bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795-1869), nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn, gồm 6 tập: Châu Âu (tập 1), Châu Á (tập 2), Bắc Mỹ (tập 3), Nam Mỹ (tập 4), Châu Phi (tập 5) và Châu Úc (tập 6), xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) vào năm 1827. Đây là một tài liệu vô giá, không chỉ về mặt học thuật, mà còn là một tài liệu có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa….