Triển vọng chứng khoán cuối năm: Động lực từ nội tại

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù nền kinh tế thế giới khó lường có thể đem lại nhiều rủi ro tới thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng những yếu tố nội tại tích cực sẽ là động lực hỗ trợ duy trì sự tăng trưởng ổn định giai đoạn cuối năm.

"Điểm sáng" kinh tế vĩ mô

Sau khi tạo đáy trong tháng 7/2022, tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan. Thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa trong tháng 8/2022 và ghi nhận mức lợi nhuận hàng tháng tốt nhất kể từ đầu năm đến nay. Mặc dù có một vài phiên điều chỉnh, nhưng thị trường luôn phục hồi nhanh chóng.

Thị trường chứng khoán dịp cuối năm có nhiều triển vọng 
Thị trường chứng khoán dịp cuối năm có nhiều triển vọng 

Nhận định về triển vọng của thị trường trong thời gian tới, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, những yếu tố nội tại tích cực sẽ là động lực hỗ trợ diễn biến thị trường chứng khoán. Điểm tích cực là các dữ liệu vĩ mô của Việt Nam tốt hơn kỳ vọng, và những giải pháp cải thiện hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán đang được nhà điều hành thực hiện.

Còn theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 9/2022 của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), ngược lại với các lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế trên thế giới, những thông tin vĩ mô trong nước tiếp tục đưa ra nhiều gam màu tươi sáng.

Theo đó, dữ liệu kinh tế tháng 8/2022 tích cực hơn kỳ vọng giúp mục tiêu tăng trưởng 7% GDP năm 2022 (tương đương với mức tăng 7,5% trong nửa cuối năm 2022) có thể dễ dàng đạt được, bên cạnh đó là mục tiêu lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ nhóm ngành xuất khẩu truyền thống, trong khi tiêu dùng nội địa duy trì đà tích cực.

Bên cạnh đó, tâm điểm thị trường trong thời gian tới là việc NHNN phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại cho các ngân hàng, và diễn biến tỷ giá cũng như những biện pháp điều hành của NHNN nhằm ổn định tỷ giá trong bối cảnh Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất quyết liệt trong tháng 9/2022.

Kỳ vọng chinh phục mốc 1.300 điểm

Đưa ra kỳ vọng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia của VDSC cho rằng, thị trường sẽ dao động trong biên độ hẹp do tác động đan xen cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Bất chấp triển vọng ảm đạm toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy sự phục hồi bền bỉ, giúp Việt Nam Đồng giảm giá ít hơn so với các đồng nội tệ khác trong khu vực như Thái Lan, Phillipines, Malaysia và Indonesia.

Do đó, dòng tiền từ nhà đầu nước ngoài tiếp tục quay trở lại Việt Nam như ghi nhận trong 5 tháng gần đây. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, thực phẩm, đồ uống, bán lẻ và dầu khí sẽ luân phiên vai trò hỗ trợ VN-Index chinh phục mốc 1.300 điểm.

Trong khi đó, những diễn biến tiêu cực từ thế giới như Fed nâng lãi suất, các vấn đề của Trung Quốc hay căng thẳng địa chính trị sẽ là những rủi ro giảm đối với thị trường chứng khoán. Trong kịch bản cơ sở, kỳ vọng VN-Index dao động trong khoảng 1.250 - 1.315 điểm.

Thị trường đã hồi phục trong gần 2 tháng qua khi những thông tin về lạm phát dần được “tiêu hóa”, và giá dầu trong xu hướng điều chỉnh đã phát đi tín hiệu tích cực về kỳ vọng lạm phát có thể đã tạo đỉnh.

Các chuyên gia cho rằng thị trường vẫn có thể hướng tới vùng 1.300 điểm trong ngắn hạn trước thông tin hỗ trợ như nới room tín dụng, việc Fed và các ngân hàng trung ương khác tỏ ra quyết liệt hơn trong việc thực thi chính sách kiềm chế lạm phát vẫn đang tạo áp lực lên tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như áp lực tới tâm lý đầu tư trên thị trường trong trung hạn. Trước kỳ vọng này, nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời ở những cổ phiếu đã tăng nhiều, hoặc đang có mức định giá (P/E, P/B) quá cao so với mặt bằng chung, và duy trì tỷ trọng cổ phiếu - tiền mặt ở mức cân bằng để có thể kiên nhẫn để chờ mua khi giá rơi về mức thấp. 

Đưa ra dự báo những nhóm hàng tiềm năng, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán KIS Việt Nam Trần Trương Mạnh Hiếu chia sẻ: “Nhà đầu tư có thể tập trung vào hai nhóm cổ phiếu là ngân hàng và thép. Hiện nhóm ngân hàng dự kiến tiếp tục có sự tăng trưởng đáng kể trong lợi nhuận khi được nới room tín dụng trong đợt vừa qua'.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cũng đang tăng giúp NIM của các ngân hàng được cải thiện. Với cổ phiếu ngành thép, tôi cho rằng nhóm này sẽ được hưởng lợi khá nhiều từ việc đẩy mạnh đầu tư công trong tương lai. Tuy nhu cầu về thép đang yếu nhưng rủi ro này đã được chiết khấu vào giá khi hầu hết cổ phiếu trong ngành đều điều chỉnh mạnh từ tháng 4/2022 đến nay. Vì thế, triển vọng tăng giá của nhóm sẽ rất sáng”.      

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần