Triển vọng lạc quan cho thị trường dầu mỏ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu Brent và ngọt nhẹ WTI đã tăng khoảng 9% trong tuần này khi giới đầu tư đón nhận thêm thông tin hứa hẹn từ vaccine Covid-19, làm gia tăng kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng vào năm sau và giúp nhu cầu dầu phục hồi mạnh mẽ hơn.

Giá dầu thế giới đã tăng khoảng 9% trong tuần này nhờ thông tin tích cực về vaccine Covid-19.
Giá “vàng đen” chạm đỉnh hơn 8 tháng
Đón nhận thông tin khả quan về vaccine Covid-19 từ hãng dược phẩm AstraZeneca (Thụy Sĩ) và dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ sụt giảm, trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu Brent đã tăng 1% sau khi leo dốc 4% ở phiên trước đó, lên tới 48,33 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 3. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng gần 2%, đạt 45,71 USD/thùng sau khi nhảy vọt hơn 4% trong phiên ngày thứ Ba. Cả hai mặt hàng dầu chủ chốt này đã tăng khoảng 25% trong tháng 11.

Số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy, dự trữ dầu thô của nước này giảm 754.000 thùng trong tuần trước. Thị trường dầu mỏ cũng khởi sắc trong tuần này sau khi AstraZeneca thông báo vaccine do họ và Đại học Oxford phát triển đạt hiệu quả 70% trong các thử nghiệm, có thể hiệu quả tới 90%, hứa hẹn trở thành loại vaccine thứ ba trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, sau vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna.

Nhà phân tích dầu mỏ Giovanni Staunovo của trung tâm UBS nhận định: “Giá dầu thế giới đang giao dịch ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020, nhờ được hỗ trợ bởi tâm lý tích cực từ những tiến triển trong sản xuất vaccine Covid-19 và nhu cầu dầu phục hồi mạnh ở châu Á”. Chuyên gia Staunovo cho rằng giá dầu vẫn có triển vọng đi lên trong năm 2021 và giá dầu Brent có thể đạt 60 USD/thùng vào cuối năm 2021.

Trong báo cáo mới nhất về thị trường dầu mỏ, hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy nhận định tin tức tích cực trên mặt trận vaccine Covid-19 đang mang lại triển vọng lạc quan cho thị trường dầu thô sau nhiều tháng biến động.

OPEC+ có thể duy trì thỏa thuận giảm sản lượng

Thị trường dầu cũng được hỗ trợ tích cực từ kỳ vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu là Nga (nhóm OPEC+) sẽ quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 7,7 triệu thùng/ngày trong cuộc họp chính sách vào thứ Hai tuần tới. Trước đó, OPEC+ có kế hoạch nới lỏng thỏa thuận giảm sản lượng từ mức 7,7 triệu thùng/ngày hiện nay, về mức 5,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2021.

Trước thềm cuộc họp của OPEC+, các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Goldman Sachs lưu ý: “Chúng tôi cho rằng OPEC+ sẽ trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng trong 3 tháng. Chúng tôi đánh giá sự phối hợp giảm sản lượng dầu là hành động tối ưu của OPEC+ trong ngắn hạn khi mà lượng tồn kho vẫn ở mức cao và làn sóng bùng phát Covid-19 tiếp tục lan rộng”. Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì mức trung bình 47 USD/thùng nếu OPEC+ tăng nguồn cung trong năm tới.

Giới phân tích vẫn thận trọng khi cho rằng đà phục hồi của giá dầu có thể bị chặn đứng khi các thương nhân đánh giá tình hình thực tế là nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ chưa phục hồi về mức bình thường trước thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19. Tamas Varga - nhà phân tích cấp cao của PVM Oil Associates cho biết: “Trong cuộc họp chính sách của OPEC+ vào ngày 30/11 tới, giới đầu tư kỳ vọng các nhà sản xuất dầu chủ chốt sẽ hoãn kế hoạch tăng sản lượng trong vòng ít nhất 3 tháng, đồng thời cam kết tuân thủ đúng hạn ngạch cắt giảm nguồn cung hiện tại”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần