Triển vọng mới cho trái cây Việt vào Trung Quốc

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, Việt Nam đã có 11 loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Dự kiến diện tích, sản lượng được phép xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, cơ hội chỉ thật sự được tận dụng khi các địa phương, nông dân và DN tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác.

Tín hiệu vui từ trái sầu riêng

Trái sầu riêng Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sau hơn 4 năm đàm phán và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng của Tổng cục Hải quan Trung Quốc là niềm vui đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Sơ chế thanh long tại Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí
Sơ chế thanh long tại Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí

Mới đây (ngày 19/9), tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với các cơ quan chức năng chính thức xuất khẩu lô hàng sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Theo đó, ngoài đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trái sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc còn phải được lựa chọn khắt khe với các tiêu chuẩn như quả của cây 7 năm tuổi trở lên, dáng tròn, đồng đều về trọng lượng.

Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang tích cực phối hợp với các địa phương chuẩn hóa các vùng trồng sầu riêng và đàm phán với Trung Quốc để tăng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm tăng lượng sầu riêng xuất khẩu vào thị trường này.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, 51 mã số vùng trồng vừa được Trung Quốc phê duyệt có tổng diện tích khoảng 3.000ha và chỉ một phần diện tích này đang cho thu hoạch phục vụ xuất khẩu đến cuối năm 2022. Dự kiến mỗi tháng các DN xuất khẩu khoảng 13.000 - 14.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Số lượng này rất nhỏ so với nhu cầu từ thị trường Trung Quốc khi các DN đã có hợp đồng xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn/năm.

“Mặc dù đến nay, diện tích được Trung Quốc công nhận đủ điều kiện xuất khẩu chỉ chiếm 3% tổng diện tích cả nước, song đây là thành tựu bước đầu, khẳng định trái sầu riêng Việt Nam đã vượt qua được quy trình kiểm tra khắt khe, đáp ứng yêu cầu cao từ thị trường này” - ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, đến nay, Việt Nam có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 loại trái cây ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật gồm măng cụt, chanh leo, sầu riêng. 8 loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc (gồm chuối, xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm) đang được Bộ hoàn thiện các bước ký Nghị định thư.

Ba hàng rào khắt khe phải vượt qua

Phân tích về các yếu tố quan trọng đòi hỏi trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải đáp ứng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, thứ nhất là hàng rào kỹ thuật, tức là sản phẩm xuất khẩu phải vượt qua được các tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu yêu cầu như: GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu), tiêu chuẩn hữu cơ hoặc yêu cầu riêng của nước nhập khẩu.

Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu ở Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường, Tiền Giang. Ảnh Minh Trí
Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu ở Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường, Tiền Giang. Ảnh Minh Trí

Thứ hai là hàng rào kiểm dịch, tức sản phẩm phải đảm bảo không có những dịch hại đối với quả tươi hoặc vượt qua hàng rào y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm với sản phẩm chế biến. Thứ ba là hàng rào thuế quan.

Như vậy, có thể khẳng định việc đầu tiên cần làm là chuẩn hóa vùng nguyên liệu, trong đó trọng tâm kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản xuất khẩu. Tiêu chí này phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu theo chuỗi sản xuất.

Ở góc độ DN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao (DOVECO) Đinh Cao Khuê cho rằng, để có vùng nguyên liệu nông sản ổn định, kiểm soát được chất lượng thì việc tổ chức liên kết, hợp tác để đủ diện tích triển khai những cánh đồng mẫu lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ sở để DN kiểm soát từ vật tư nông nghiệp đến sơ chế, đóng gói nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng xuất khẩu.

Đưa ra giải pháp về giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm khi kiểm dịch, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung khuyến cáo, các DN cần hiểu rõ về thị trường xuất khẩu để đáp ứng những yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, chú trọng giám sát vùng sản xuất, thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc phòng thử nghiệm được thị trường xuất khẩu chấp thuận trước khi đóng gói. Về phía các địa phương cần nêu cao vai trò trong quy hoạch vùng sản xuất an toàn; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra mẫu đất, mẫu nước cũng như hướng dẫn nông dân từ ghi chép nhật ký sản xuất đến sơ chế, chế biến theo quy trình bài bản. Mặt khác, phải xử lý nghiêm những hành vi sử dụng phân bón, hóa chất không đúng quy định.

Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch

Nhận thức rõ những cơ hội và thách thức từ thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã xác định rõ giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch trái cây đó là cần phải có lộ trình để tổ chức lại sản xuất.

Bởi, nếu không tổ chức sản xuất sẽ không chuẩn hóa được vùng nguyên liệu, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và không có sản phẩm để đưa vào xuất khẩu chính ngạch. Đây cũng là bài toán với các cơ quan chức năng, cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc xuất khẩu các loại trái cây, truy xuất nguồn gốc, không được để xảy ra tình trạng gian lận mã số vùng trồng.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia nhận định, các địa phương có mã số vùng trồng cũng cần duy trì, ổn định chất lượng, vì yêu cầu từ thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên khắt khe hơn, khó tính hơn.

Thực tế, vài năm trở lại đây, thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều và cuộc chơi chính ngạch đòi hỏi các DN Việt Nam phải hiểu rõ để làm tốt, làm đúng quy định, xây dựng chất lượng ổn định mới có thể tồn tại ở thị trường này. Những vườn trồng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại tỉnh Bắc Giang được cấp mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu là minh chứng thuyết phục nhất cho bài học về duy trì nâng cao chất lượng để đi đường dài.

Hiện, toàn tỉnh Bắc Giang có 149 mã vùng trồng vải xuất khẩu sang Trung Quốc, tập trung tại các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam và Yên Thế với tổng diện tích hơn 15.000ha. Thời điểm này đã hết vụ vải, nhưng việc chăm bón, giám sát mã số vùng trồng chuẩn bị cho niên vụ sau vẫn được các nhà vườn tích cực triển khai.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, việc ghi chép sổ nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc với tất cả các cơ sở được cấp mã số vùng trồng. Nhờ đó, cán bộ bảo vệ thực vật địa phương dễ dàng kiểm tra việc sử dụng phân bón sinh học, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt một số hoạt chất đã được cảnh báo từ nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bắc Giang công khai và thông báo các mã số vùng trồng để các DN chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trước khi đưa đi xuất khẩu đều dán tem nhãn đầy đủ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Đề cập về giải pháp hỗ trợ DN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, các cơ quan chuyên môn của Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để tuyên truyền về những thay đổi về chính sách của thị trường Trung Quốc đến DN, hiệp hội kịp thời và đầy đủ.

Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc hỗ trợ từ các bộ, ngành, DN bắt buộc phải thích ứng với thay đổi của thị trường và nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.

 

"Vấn đề xây dựng thương hiệu để trái cây Việt Nam cạnh tranh được với trái cây một số nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia…) cũng là một thách thức không nhỏ. Bởi với các nước này xuất khẩu nhiều loại trái cây vào Trung Quốc đã diễn ra từ lâu và chiếm thị phần lớn tại thị trường đông dân nhất thế giới. Điều này đặt ra thách thức đối với các DN xuất khẩu trái cây của Việt Nam trong vấn đề cạnh tranh." - PGS.TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương)