Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển vọng mới từ trồng dưa lưới công nghệ cao

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trồng dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh Bình (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) là một trong những mô hình nông nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao tại địa phương. Thành công bước đầu của mô hình đang mở ra triển vọng mới về hướng phát triển nông nghiệp sạch, gắn với nhu cầu thị trường.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Bình Nguyễn Xuân Huy cho biết, toàn bộ khu đất HTX đang triển khai trước kia là đất trồng 2 vụ lúa, nhưng hiệu quả kinh tế thấp nên nông dân bỏ hoang hóa nhiều năm.

Năm 2020, HTX đã huy động thành viên góp vốn, thuê đất của các hộ dân để triển khai Dự án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng cây hằng năm sang sản xuất, sơ chế, chế biến và bảo quản rau, củ quả an toàn ứng dụng công nghệ cao” trên tổng diện tích chuyển đổi hơn 7.300m2. Bắt tay vào thực hiện dự án, HTX thiết kế xây dựng hơn 3.000m2  nhà lưới, nhà màng tổng mức đầu tư trên 1,7 tỷ đồng.

 Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Bình Nguyễn Xuân Huy bên mô hình dưa lưới

Sau hơn 1 năm triển khai trồng 10.000 gốc dưa gồm 2 giống dưa Ichiba (Nhật Bản) và dưa Thiên Nữ (Đài Loan), mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Quy trình canh tác khép kín, hiện đại ứng dung công nghệ tiên tiến để luôn chủ động về nhiệt độ, độ ẩm phòng ngừa sâu bệnh hại, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng lưu động có thể đóng, mở tùy điều kiện thời tiết. Toàn bộ quy trình sản xuất được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm, tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, dẫn dinh dưỡng, thông gió, phun sương phù hợp từng loại cây trồng, bảo đảm môi trường lý tưởng cho cây sinh trưởng, phát triển.

"Tuy mức đầu tư chi phí ban đầu lớn, song khả năng thu hồi vốn nhanh. Hạch toán cho thấy, doanh thu mô hình trồng dưa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hữu cơ có thể đạt hơn 600 triệu đồng/ha/năm, tỷ suất lợi nhuận khoảng 25,4% so với mức đầu tư ban đầu" - anh Nguyễn Xuân Huy chia sẻ.

Trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao mang nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng, mẫu mã và giá trị thương phẩm so với canh tác dưa theo phương thức truyền thống. Trong khi đó, vòng đời sinh trưởng cây từ khi trồng cho đến khi thu hoạch chỉ vào khoảng 70 - 75 ngày, nên trong một năm có thể trồng 3 - 4 vụ.

 Sản phẩm dưa Thiên Nữ (Đài Loan) của HTX Nông nghiệp Thanh bình đang được tiêu thụ thuận lợi qua kênh bán hàng online

Hiện nay, nhu cầu về các mặt hàng nông sản sạch, rõ nguồn gốc ngày càng tăng nên sản phẩm dưa của HTX Nông nghiệp Thanh Bình được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao và ưa chuộng. Trong khi nhiều loại nông sản đang gặp khó về đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì sản phẩm của HTX vẫn tiêu thụ thuận lợi qua bán hàng online (giá bán trung bình 55.000 - 60.000 đồng/kg), thậm chí nhiều thời điểm không đủ sản phẩm để cung ứng cho khách hàng.

Về định hướng trong tương lai, anh Nguyễn Xuân Huy cho biết, cùng với phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, HTX đang đầu tư theo hướng kết hợp dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp sinh thái với mục đích lan tỏa sự gắn kết của con người với thiên nhiên; hướng tới phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh vì chất lượng cuộc sống của cộng đồng.