Triển vọng sáng cho kinh tế toàn cầu cuối năm 2017

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo tăng trưởng toàn cầu đã được IMF nhích lên 0,1% lên 3,6%.

 
Trong khuôn khổ cuộc họp thường niên với Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra trong tuần này tại Washington (Mỹ),  Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 10/10 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 lên 0,1%. Cùng với đó, dự báo kinh tế cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và các thị trường châu Âu mới nổi đều được đánh giá tích cực hơn.
Theo Báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,6% trong năm nay và 3,7% vào năm 2018. Mức tăng không đáng kể so với dự đoán đưa ra 6 tháng trước, nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của năm 2016. Dù nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ, song IMF cảnh báo nhịp độ của nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể chậm lại trong vài năm tới do chính phủ thiếu chính sách định hướng. Đảng Cộng hòa đã đệ trình 3 dự thảo cải cách thuế kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền hồi tháng 1/2017, tuy nhiên những nỗ lực này vẫn gặp cản trở ở Quốc hội.
Viện dẫn niềm tin thị trường tăng mạnh, IMF cho rằng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ có thể đạt 2,2% trong năm nay - tăng 0,1% so với dự báo đưa ra 3 tháng trước; và năm 2018 đạt 2,3% nhờ triển vọng sáng sủa hơn một phần do sự phục hồi trong khu vực năng lượng và đầu tư DN tăng vào đầu năm. Với Eurozone, IMF cho rằng sự phục hồi mạnh hơn và khu vực này đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu cách đây gần một thập kỷ. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Eurozone từ 1,9% lên 2,1% trong năm 2017 và từ 1,7% lên 1,9% trong năm 2018. Kết quả này phản ánh sự gia tăng xuất khẩu và nhu cầu nội địa mạnh nhờ chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB). Tuy nhiên, IMF vẫn thận trọng cảnh báo kinh tế Eurozone trước những áp lực về lạm phát thấp, nợ công cao và già hóa dân số. Đề cập các rủi ro tiềm tàng với kinh tế toàn cầu từ nay tới cuối năm 2017, IMF nhấn mạnh sự “khó lường” từ các nhà làm luật Mỹ, các chính sách tài khóa - thương mại của nền kinh tế hàng đầu thế giới, cũng như hệ quả từ Brexit và khả năng tăng lãi suất đột biến của các ngân hàng T.Ư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần