Triển vọng tích cực của chứng khoán Việt

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 6 tháng đầu năm, một dòng tiền lớn đã chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), VN-Index liên tục tăng điểm. Mua bán sáp nhập DN (M&A) tăng thu hút nhà đầu tư ngoại, các chính sách tạo động lực cho kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục... là các yếu tố khiến VN-Index được dự đoán sẽ vượt trên mức 800 điểm vào cuối năm.

Khối ngoại mua ròng mạnh

Dù những phiên gần đây, TTCK Việt Nam có những rung lắc nhất định nhưng VN-Index vẫn duy trì phong độ trên 770 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức khá, đặc biệt là giao dịch của khối ngoại.

Theo thống kê, TTCK 6 tháng đầu năm 2017 đạt được nhiều kết quả tích cực. Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều có sự tăng trưởng vượt bậc. Đến đầu tháng 7, chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh trong 9 năm trở lại đây, tăng khoảng 17% so với đầu năm, và HNX-Index tăng hơn 23%. Khối ngoại đã mua ròng kỷ lục với giá trị hơn 9.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, TTCK phái sinh sắp đi vào vận hành cũng mở ra một sản phẩm mới trên thị trường. Theo ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Thương mại LMC, sự hăm hở của nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp thêm động lực cho thị trường khi họ rót thêm vào thị trường Việt Nam hơn 9.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. TTCK Việt Nam được đánh giá tích cực khi Chính phủ thúc đẩy cổ phần hóa DN Nhà nước. “Với các nhà đầu tư nước ngoài đầy kinh nghiệm, đây là một trong những thị trường “béo bở” còn lại và họ đang rất kỳ vọng vào thị trường Việt Nam” - ông Chánh nói.

Khách hàng giao dịch tại sàn chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Công Hùng

Cũng nói về nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán tăng nhanh là do khối ngoại mua ròng. Thời gian qua, xu hướng M&A tăng, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực như nới room, linh hoạt hơn trong các quy định với nhà đầu tư ngoại, từ đó tạo ra động lực cho sự phát triển của chứng khoán.

Ngoài ra, sự khởi sắc này dựa trên nền tảng chính sách rõ ràng, kinh tế hội nhập sâu rộng, Chính phủ cũng có những nỗ lực vượt bậc trong việc khuyến khích DN tư nhân, cải cách DN Nhà nước. 700 DN Nhà nước đã cổ phần hóa mà chưa niêm yết trên sàn chứng khoán được yêu cầu lần lượt lên sàn sẽ khiến khả năng vốn hóa TTCK tăng, sự hấp dẫn cũng tăng lên. Niềm tin về các chính sách cải cách kinh tế cũng tác động mạnh đến TTCK Việt Nam.

Chứng khoán sẽ vượt 800 điểm?

Thời gian tới, kinh tế vẫn duy trì triển vọng tích cực, mặc dù các quy định niêm yết chặt chẽ hơn, nhưng nhiều hàng mới có chất lượng tiếp tục góp mặt trên sàn, M&A tăng thu hút nhà đầu tư ngoại, các chính sách tạo động lực cho kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục... Đó là các yếu tố khiến giới chuyên gia dự báo tích cực về TTCK Việt Nam 6 tháng cuối năm. Kể cả dự báo dè dặt nhất cho rằng, chỉ số VN- Index vẫn xoay quanh ngưỡng 800 điểm.

Chuyên gia Cấn Văn Lực -Giám đốc Trường đào tạo BIDV dự báo, VN-Index sẽ dao động quanh mốc 800. Các cơ sở được ông này đưa ra là bối cảnh kinh tế thế giới sẽ tích cực hơn, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong hai quý cuối năm, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là xử lý nợ xấu, sẽ được thúc đẩy. Đồng thời, mặt bằng lãi suất ổn định và tăng trưởng tín dụng ở mức 18% là khả thi. Mặt khác, thị trường phái sinh sẽ được mở trong tháng 8 cũng sẽ là một cú hích quan trọng. Ngoài ra, Chính phủ đã yêu cầu 730 DNNN đã cổ phần hóa nhưng chưa lên sàn phải lên sàn UPCOM trong những tháng cuối năm, trong đó có 10 ngân hàng và có nhiều hàng hóa tốt.

Về điều kiện để VN-Index tăng điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết cần có 2 điều kiện. Thứ nhất, GDP trong quý IV phải tăng trên 7% để GDP cả năm ở mức 6,5%. Dựa vào yếu tố cơ bản đó, thị trường chứng khoán lên 800 là khả quan và hợp lý. Còn nếu thị trường lên 800 điểm mà không có các yếu tố cơ bản đó, thì đây là sự bắt đầu của giai đoạn bong bóng. Thứ hai, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng tiền tệ thông qua hạ lãi suất và bơm lượng tiền vào trong lưu thông và tạo thanh khoản cho chứng khoán, thì VN-Index sẽ lên mức 800 điểm. Không chỉ tăng điểm, thanh khoản của TTCK Việt Nam những tháng cuối năm cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Một lượng tiền lớn tiếp tục đổ vào thị trường khi nhiều hàng tốt trong 700 DNNN đã thực hiện cổ phần hóa nhưng chưa lên sàn chứng khoán như Vinaphone, Mobifone... sẽ chào sàn.

Ông Trần Đắc Sinh - nguyên Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh kỳ vọng rằng, chỉ số VN-Index sẽ đạt 800 điểm trong năm 2017, đồng thời thị trường chứng khoán sẽ phản ánh chính xác “hơi thở” của nền kinh tế. “Lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp. Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc xử lý nợ xấu sẽ giúp dòng tiền thông minh tìm đến kênh đầu tư sinh lời hiệu quả là chứng khoán” - ông Sinh nhận định.

Thị trường vẫn trong giai đoạn đi lên và từ giờ tới cuối năm vẫn có rất nhiều tín hiệu tốt. Tôi mong, thanh khoản của thị trường sẽ nâng lên 6.000 - 8.000 tỷ đồng/ngày và VN-Index sẽ đạt quanh mức 830 điểm.

Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Artex Lưu Đức Quang


TTCK 2017 chứng kiến sự bùng nổ về điểm số và thanh khoản, đạt mức đỉnh 9 năm. Các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và thoái vốn mạnh mẽ đối với các DNNN, đặc biệt là các DN đầu ngành, tạo ra sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển từ trạng thái bán ròng trong năm 2016 (bán ròng 300 triệu USD) sang mua ròng mạnh mẽ trong nửa đầu 2017 (mua ròng 400 triệu USD). Mặc dù các quy định niêm yết chặt chẽ hơn, song số lượng cổ phiếu niêm yết mới không ngừng gia tăng, trong đó có rất nhiều DN có chất lượng cao như Habeco, Sabeco, Novaland, Vietjet, Petrolimex, Vietnam Airlines... Điều thú vị là rất nhiều DN lớn đã đăng ký giao dịch cổ phiếu lên sàn UPCoM, với mức vốn hóa sàn UPCoM lên tới 19 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với sàn HNX đạt 8 tỷ USD.

Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Maritime - MSI Mạc Quang Huy