Triệt bệnh...nhờn luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày hôm nay (1/8), Nghị định 46/2016/NĐ – CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, với việc tăng nặng mức xử phạt, Nghị định 46 được kỳ vọng sẽ là liều thuốc ngăn chặn căn bệnh nhờn luật đang tồn tại.

Phạt nặng hành vi trực tiếp dẫn đến TNGT

Các chuyên gia đánh giá, mức xử phạt theo Nghị định 46 cơ bản được giữ nguyên so với Nghị định 171 và 107, chỉ rà soát và điều chỉnh tăng chế tài xử lý đối với những hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất trật tự ATGT. Cụ thể, Nghị định 46 đã điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 115 hành vi và nhóm hành vi trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó, chú trọng vào một số nhóm hành vi như: Nồng độ cồn; tốc độ; đường cao tốc; chở hàng quá trọng tải cho phép của phương tiện và cầu, đường; kinh doanh vận tải; quy tắc giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông.
Cảnh sát giao thông Đội 2, Công an Hà Nội làm nhiệm vụ trên đường Liễu Giai, quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Cảnh sát giao thông Đội 2, Công an Hà Nội làm nhiệm vụ trên đường Liễu Giai, quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Cụ thể, đối với hành vi người điều khiển xe ô tô vi phạm về nồng độ cồn, Nghị định 46 giữ nguyên 2 mức xử phạt theo Nghị định 171 và tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm ở mức 3: Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng lên 16 – 18 triệu đồng. Đồng thời, tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) đối với mức 2 từ 2 tháng lên khung từ 3 – 5 tháng; mức 3 từ 2 tháng lên khung từ 4 – 6 tháng. Trong khi đó, đối với xe máy, người vi phạm sẽ bị phạt tối đa đến 4 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 3 – 5 tháng. Đối với hành vi vi phạm về tốc độ, người điều khiển phương xe ô tô chạy quá tốc độ từ 20 – 35km/giờ sẽ bị phạt từ 5 – 6 triệu đồng; xe máy chạy quá tốc độ trên 20km/giờ bị phạt 3 – 4 triệu đồng…

Bên cạnh đó, Nghị định 46 cũng tăng nặng mức xử phạt hành vi vi phạm trọng tải phương tiện và cầu, đường. Cụ thể, vẫn giữ nguyên mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện và tách thêm hành vi chở hàng quá trọng tải phương tiện từ 150% trở lên và tăng mức xử phạt từ 7 – 8 triệu lên 8 – 12 triệu đồng. Đối với chủ phương tiện, tách và tăng mức xử phạt đối với hành vi giao phương tiện cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện chở quá tải trên 150% từ 16 – 18 triệu đồng lên từ 18 – 20 triệu đồng. Đối người xếp hàng lên xe quá tải trên 100% sẽ bị xử phạt từ 3 – 4 triệu đồng/lượt xe (trước là 1 – 2 triệu đồng)…

Bổ sung, làm rõ nhiều hành vi vi phạm

Theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, ngoài việc tăng nặng mức xử phạt các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, Nghị định 46 đã bổ sung và làm rõ nhiều hành vi vi phạm. Đơn cử như hành vi vi phạm lỗi chuyển hướng của người điều khiển xe ô tô, mô tô. Tại Nghị định 171, người điều khiển phương tiện chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ sẽ bị coi là vi phạm. Tuy nhiên, tại Nghị định 46, các trường hợp trên sẽ không bị xử phạt nếu di chuyển theo hướng cong của đoạn đường bộ nơi đường không giao nhau đồng mức. Ngoài ra, Nghị định 46 cũng làm rõ, phân tích thêm hành vi chở quá số người trong buồng lái so với các Nghị định trước. Cụ thể, Nghị định 171 sử dụng từ “Để người” thì Nghị định 46 đã thay thế bằng từ “Chở người” trên buồng lái quá số lượng quy định… “Việc Nghị định mới sửa đổi những câu chữ chưa hợp lý sẽ tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng. Bởi, khi câu từ đã được làm rõ, dễ hiểu người vi phạm sẽ hết đường chối cãi” – Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Cũng theo đại diện Phòng CSGT, Nghị định 46 đã bổ sung quy định xử phạt đối với nhiều hành vi và nhóm hành vi vi phạm chưa được quy định trong các Nghị định trước. Điển hình như một số hành vi: Chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn tại những vị trí có trang bị dây an toàn khi xe đang chạy (có hiệu lực từ 1/1/2018); dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe máy trên đường (có hiệu lực từ 1/1/2017); lùi xe ở đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy, điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà).
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng nặng mức xử phạt hành vi vi phạm luật giao thông sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, việc tăng nặng là cần thiết để tạo tính răn đe, bảo vệ tính mạng của người trực tiếp vi phạm và những người khác. Bên cạnh đó, Nghị định chỉ tăng nặng mức xử phạt đối với những hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, còn mức xử phạt của các hành vi vi phạm diễn ra thường xuyên như: Không đội bảo hiểm; không lắp gương chiếu hậu… vẫn được giữ nguyên.
Ông Lưu Xuân Bình -  Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội
 
Tăng mức xử phạt đối với những hành vi trực tiếp dẫn đến TNGT là điều cần thiết, nhưng không phải là tất cả để đảm bảo trật tự ATGT. Để kéo giảm tình trạng mất ATGT, cũng như nâng cao nhận thức của người dân, các cơ quan chức năng phải chú trọng vào công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công vụ của các lực lượng chức năng, tránh việc tăng mức xử phạt sẽ làm phát sinh thêm tiêu cực.
Ông Bùi Danh Liên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội