Triết lý “không cảm xúc” của ông Miura

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyển U23 đã có trận đấu đầu tiên của hành trình chuẩn bị cho SEA Games 28 vào tối 9/5 trên sân Mỹ Đình (Hà Nội).

Các tiền đạo U23 Hàn Quốc (áo sáng) gặp nhiều khó khăn trong không chiến với hàng thủ U23 Việt Nam
Các tiền đạo U23 Hàn Quốc (áo sáng) gặp nhiều khó khăn trong không chiến với hàng thủ U23 Việt Nam
Họ đã hòa không bàn thắng trước đối thủ rất mạnh là U23 Hàn Quốc. Sau trận đấu này, giới chuyên môn đã luận bàn rất nhiều về cách dụng nhân của ông Miura. Nhưng, có một điều là tất cả phải thừa nhận, nhà cầm quân người Nhật đã không đi theo lối mòn xưa cũ của bóng đá Việt Nam.

Cái đẹp chính là thành công

Đến lúc này, đặc biệt là sau trận đấu với U23 Hàn Quốc, người ta không còn thấy bóng dáng của lối chơi diễm lệ vốn là đặc sản của tuyển U19 trong cách vận hành của U23. Thậm chí, chất U19 đã bị pha loãng một cách tối đa bằng những con người trên sân. Không có nhiều cầu thủ U19, đặc biệt là những cá nhân xuất phát từ lò HAGL được sử dụng trên sân. Lựa chọn của ông Miura giờ không còn bị dư luận phản ứng như cách đây vài tháng. Những cầu thủ trụ cột từ các lò đào tạo khác đã chiếm lĩnh những vị trí trọng yếu ở đội tuyển và thậm chí, Công Phượng chỉ được vào sân khi Phi Sơn bị chấn thương.

Ông Miura không cần một lối chơi mỹ miều nhưng thất bại. Với nhà cầm quân này, cái đẹp chính là thành công trên sân cỏ. Cũng vì nó mà ông chấp nhận đi ngược với xu thế chung, thậm chí không chấp thuận quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo về việc xây dựng tuyển U23 dựa trên hồn cốt của U19. Đến giờ, rất may cho ông Miura là những tính toán của ông đang đúng. Trận hòa ấn tượng trước đối thủ mạnh cùng sự vững chãi trong phòng thủ, uyển chuyển lực lên bóng và tỷ lệ thời gian cầm bóng cho thấy, triết lý bóng đá của ông Miura phù hợp với đội bóng.

Tất nhiên, sau trận đấu, một số ý kiến đã chỉ trích lối chơi có phần xù xì, thậm chí quá quyết liệt của U23. Họ nói rằng, U23 đã từ bỏ sở trường của mình là khả năng chơi bóng khéo léo, linh hoạt để chọn lối chơi thiên về sức mạnh. Tuy nhiên, ông Miura cho rằng, U23 chơi quyết liệt chứ không bạo lực. Thậm chí, các cầu thủ chơi bóng đẹp và lành hơn các đội bóng ở V - League rất nhiều. Mà nói cho cùng, bóng đá không có chỗ cho sự lãng mạn. Bóng đá là cuộc đấu về sức mạnh giữa các cá nhân, các tập thể và ai yếu đuối, người đó phải đứng sang một bên.

Muốn thắng, đừng thua

Yêu cầu học trò đá rát, đá quyết liệt và tranh chấp bóng ở mọi nơi, mọi lúc, nhưng những thay đổi đó không lớn bằng việc, ông Miura đang định hình một bộ khung khác biệt so với trước đây. Đó là việc U23 sử dụng những cầu thủ có thể hình lý tưởng, đặc biệt là ở hàng phòng ngự. Theo thống kê, những cầu thủ được ông Miura lựa chọn ở hàng phòng ngự đều có chiều cao trên 1m75.

Đặc biệt hơn, 2 cầu thủ chạy cánh là Ngọc Hải và Minh Tùng cũng đều có chiều cao trên 1m80 và xuất thân từ trung vệ. Những cầu thủ chạy cánh truyền thống lại không được ông Miura lựa chọn. Thay vào đó, những chuyên gia phòng ngự, vốn có thừa sức chiến đấu được án ngữ ở hai bên cánh hàng phòng ngự. Điều đó cho thấy sự thay đổi về quan điểm của ông Miura, rằng, trước khi nghĩ đến chiến thắng, phải tránh được việc bị thủng lưới. Với một hàng phòng ngự có chiều cao lý tưởng, giàu sức mạnh cho các pha tranh chấp tay đôi, U23 sẽ tự tin hơn trong cuộc đối đầu với những đối thủ vốn có nền tảng thể lực tốt như Thái Lan và Indonesia.

Muốn thành công, đừng quan tâm đến xúc cảm của người bên cạnh và cũng đừng cảm thấy tổn thương khi bị chỉ trích. Sự lạnh lùng của Miura đang tạo ra một U23 thực tế đến thực dụng, nhưng rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần