Triệt tận gốc “ổ mối nhỏ”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với những đại án kinh tế, tham nhũng, cụm từ “tham nhũng vặt” cũng liên tục được nhắc đến trong thời gian qua, vẫn đang là mối bận tâm lớn của các cấp, các ngành và dư luận xã hội. Mặc dù nhiều quy định đã được ban hành, nhiều giải pháp được thực thi, nhưng vẫn chưa thể giải quyết tận gốc vấn nạn này.

 
“Tham nhũng vặt là tệ nạn và bức xúc, nhức nhối, quan hệ đạo đức công vụ của công chức viên chức. Tuy tham nhũng vặt nhưng tác hại của nó không nhỏ”, một lần nữa nhận định ấy được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đưa ra tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đúng như hình ảnh được đem ra so sánh, “ổ mối ăn mòn chân đê”, có thể nói rằng, những vụ việc, biểu hiện của “tham nhũng vặt” đã cho thấy đây không phải là chuyện vặt nữa, mà có sức tàn phá âm ỉ rất lớn.
Nếu trước đây, khi nói đến tham nhũng, phải có hai yếu tố: Lòng tham và phải là người có quyền lực. Tuy vậy, các sự việc xảy ra thời gian qua cho thấy, tham nhũng không chỉ khu biệt ở những người có quyền lực, mà có thể xảy ra ở bất cứ cấp nào, ngành nào, với bất cứ ai được giao nhiệm vụ. Thường xuyên nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; quản lý trật tự giao thông, đô thị; y tế; giáo dục; hải quan; thuế; tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức…
Nó cũng “biến tướng” dưới nhiều hình thức nên không dễ phát hiện, xử lý. Không chỉ dừng ở tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để sách nhiễu, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định… để nhận “lót tay”, mà có cả những vụ việc nghiêm trọng hơn như dọa dẫm, đòi hối lộ trong hoạt động thanh tra chuyên ngành. Dẫn đến tâm lý rất đáng buồn là DN, người dân khi giao dịch, tiếp xúc với cơ quan Nhà nước, cán bộ công quyền đều tìm cách “lót tay”, chấp nhận tiêu cực để được giải quyết nhanh chóng công việc của mình.
Nói chung, đặc trưng của “tham nhũng vặt” tuy giá trị không quá lớn nhưng nó kìm hãm sự phát triển, gây khó khăn cho địa phương, đơn vị trong thu hút đầu tư; làm giảm niềm tin của người dân, DN… Đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm nghiêm trọng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh việc phòng chống đại án, vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, trong thời gian qua, chủ trương của Đảng, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ đều nhấn mạnh vấn đề phòng chống “tham nhũng vặt”. Gần đây nhất, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN. Trong đó, nêu rất rõ, phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra "tham nhũng vặt" ở cơ quan, đơn vị mình phụ trách.
Do "tham nhũng vặt" có nguy cơ xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực nên để triệt tận gốc các “ổ mối nhỏ” này, không thể khoanh vùng ở một bộ, ngành hay lĩnh vực mà cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp và của chính người dân, DN. Trong đó, cùng với bịt những kẽ hở của cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực, cần tăng công khai minh bạch, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với người dân, DN, tránh sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”… Đồng thời, đòi hỏi lớn hơn là quyết tâm của người đứng đầu các đơn vị trong kiểm soát nội bộ một cách chặt chẽ, phát hiện, sa thải ngay lập tức những "công bộc" thoái hóa, biến chất, kiên trì thanh lọc bộ máy. Bởi càng minh bạch, cơ hội để công chức có thể vòi vĩnh, nhũng nhiễu, tham nhũng càng ít đi.