Triệu con tim hướng về đất Tổ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 3 âm lịch, người Việt bốn phương đều có cách tưởng nhớ công ơn vua Hùng của riêng mình. Có người nhịp bước về miền đất Tổ, thành kính dâng lễ vật lên Vua cha.

Có nơi, đặc biệt tại hàng nghìn di tích thờ cúng vua Hùng trên cả nước, người dân cũng mở hội, thắp nén hương gửi tấm lòng thành đến Quốc Tổ.

Tụ hội dưới chân núi Nghĩa Lĩnh

Năm nay, Lễ hội đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra với quy mô nhỏ hơn các năm Quốc giỗ. Chính vì vậy, thời gian diễn ra lễ hội chỉ gói gọn trong 5 ngày, từ 12 - 16/4 (tức 6 đến 10 tháng 3 âm lịch). Thế nhưng, tấm lòng thành kính với tổ tiên đã ở trong tâm thức người Việt, nên dòng người kéo về Lễ hội đền Hùng năm nay không ít hơn các năm trước, đặc biệt là gần ngày chính giỗ (mùng 10 tháng 3).
Rước kiệu lên đền Thượng trong Lễ hội đền Hùng 2016.	 Ảnh: Trung Kiên
Rước kiệu lên đền Thượng trong Lễ hội đền Hùng 2016. Ảnh: Trung Kiên
“Trong những ngày diễn ra lễ hội, trừ mùng 7 tháng 3 âm lịch, lượng khách khoảng nửa triệu người, còn lại mỗi ngày Khu di tích lịch sử đền Hùng đều đón hơn 1 triệu lượt người về trẩy hội” – ông Lưu Quang Huy – Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Lịch sử đền Hùng cho biết. Trong khuôn viên rộng 32ha, dòng người như nêm chặt từ khu trung tâm lễ hội lên đến đền Thượng. Khuôn viên của đền Giếng, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng… luôn đông nghịt. Trong số người tham gia lễ hội, rất nhiều cụ già đã ngoài 80 tuổi và cả em nhỏ 3 - 4 tuổi. Theo lời hẹn, mỗi năm đến hội, tôi lại có dịp gặp cụ Chi Thị Thơm, sống ở TP Hồ Chí Minh. Gần 20 năm nay, lễ hội năm nào, hình ảnh bà cụ 85 tuổi, tóc bạc trắng, một tay lần tràng hạt, một tay vịn vai con cháu, lần theo từng bậc đá lên đền Thượng, cũng khiến người đi hội trân trọng và cảm phục. “Tôi biết mình không còn sống được bao lâu, nên ngày nào còn có thể, tôi sẽ vẫn giữ đúng nếp hành hương về đất Tổ vào ngày giỗ vua Hùng. Tôi làm vậy không phải để lấy cảm giác thanh tịnh cho mình, mà để giáo dục con cháu tôi có tấm lòng hướng về cội nguồn” - cụ Thơm chia sẻ.
Các đoàn rước trong lễ hội đền Hùng 2016.                Ảnh: Trung Kiên
Các đoàn rước trong lễ hội đền Hùng 2016. Ảnh: Trung Kiên
Về miền đất Tổ trong những ngày chính giỗ, hình ảnh đọng lại trong tâm trí gần 5 triệu lượt khách thập phương là sự kết tinh, hội tụ những giá trị văn hóa của con lạc, cháu hồng. Nếu như các năm trước, lễ hội đền Hùng chú trọng nhiều phần lễ, thì năm nay, các hoạt động văn hóa dân gian, diễn xướng gắn liền với việc gìn giữ thuần phong mĩ tục của người Việt như: Cướp kén (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông), bắt trạch trong chum (xã Tiên Du, huyện Phù Ninh), tứ dân chi nghiệp hay còn gọi là trò bách nghệ khôi hài (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao), đi cầu Kiều (huyện Yên Lập), múa sạp (huyện Thanh Sơn); điệu trống đu của người Mường, múa Sênh tiền (xã Thượng Long, huyện Yên Lập); múa Mỡi (huyện Tân Sơn); múa bông, cồng chiêng (huyện Thanh Sơn), hát quan họ (huyện Lâm Thao)… được bày biện đầy sức cuốn hút.

Đồng loạt dâng hương

Đúng 7 giờ hôm nay 16/4 (mùng 10 tháng 3 âm lịch), ngoài lễ hội diễn ra tại vùng đất Tổ, lễ dâng hương vua Hùng sẽ được thực hiện tại hơn 1.400 đền, chùa, miếu mạo thờ cúng trên khắp cả nước. Tại TP Hồ Chí Minh, lễ Giỗ tổ cấp TP được tổ chức ở khu tưởng niệm các vua Hùng, Công viên lịch sử văn hóa dân tộc (quận 9); các khu du lịch, công viên văn hóa, các đơn vị DN, trường học mang tên Hùng Vương, Lạc Hồng, Âu Cơ, Hồng Bàng… và nơi có đền thờ Vua Hùng.
Triệu con tim hướng về đất Tổ - Ảnh 1
Tại TP Đà Nẵng, đã thành truyền thống, vào ngày giỗ Tổ hằng năm, nhiều đình làng tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân có công khai hoang lập nghiệp và nhắc nhở con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn như: Đình làng Hải Châu (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), đình làng Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), đình làng Hòa An (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), đình làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), đình làng An Khê (phường An Khê, quận Thanh Khê), đình làng Thạc Gián (phường Chính Gián, quận Thanh Khê). Các địa phương nơi có đền thờ Hùng Vương dâng hương cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại Đền Thượng lúc 7 giờ ngày 10/3 âm lịch theo nghi lễ truyền thống.
Triệu con tim hướng về đất Tổ - Ảnh 2

“Gói bánh chưng, Giã bánh giầy” dâng lên Vua Hùng
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, do đó luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ con dân nước Việt hàng ngàn năm qua. Giá trị của tín ngưỡng này ở chỗ đã vượt ra ngoài biên giới, là lời hiệu triệu muôn triệu trái tim con dân đất Việt hướng về quê hương với hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng và sâu sắc. Mỗi mùa lễ hội qua đi, bằng điểm tựa tinh thần gắn kết, người Việt như thêm lời khẳng định với thế giới về giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận 4 năm về trước.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2016 có 3 tỉnh là Hưng Yên, Bình Thuận và Cà Mau tham gia góp giỗ. Năm nay, lễ hội có nhiều nét mới, phần Lễ gồm Lễ giỗ chính như Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương Quốc Mẫu Âu Cơ, Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương; Rước kiệu về đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích. Đúng 7 giờ ngày mùng 10 tháng 3, UBND tỉnh Phú Thọ với vai trò là chủ lễ cùng các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước tổ chức Lễ dâng hương lên đền Thượng thuộc Khu di tích lịch sử đền Hùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần