Tại các phường như Cao Xanh, Hà Khánh, Trần Hưng Đạo, Hồng Gai, nước triều dâng từ 60-70cm, có nơi lên tới 1m, khiến các phương tiện và người dân gặp khó khăn khi tham gia giao thông.
Để đảm bảo đời sống, sinh hoạt của Nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng, tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long đã chỉ đạo Công ty CP Xây dựng công trình 507 đề xuất phương án và triển khai phương án thi công chống ngập lụt cho khu dân cư.
Qua khảo sát hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các khu vực xảy ra tình trạng ngập lụt do triều cường, cho thấy, hiện nay cao độ mặt đường thấp nhất khoảng +2m, cao độ vỉa hè thấp nhất khoảng +2,2m, cao độ san nền thấp nhất trong khu dân cư là +3,15m, mặt bằng toàn bộ dự án bị lún từ 0,2 - 1m.
Phương án tối ưu chống ngập lụt tại khu đô thị lấn biển thuộc địa bàn các phường Cao Xanh và Trần Hưng Đạo (Yết Kiêu cũ) được đề xuất là sửa chữa, cải tạo những tuyến đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại những vị trí bị ngập, đảm bảo cao độ đường giao thông sau khi tắt lún lớn hơn cao độ đỉnh triều lớn nhất tại khu vực trong 3 năm gần đây và đảm bảo vuốt nối giao thông trong khu vực được êm thuận.
Cụ thể, tiến hành cải tạo 22 tuyến đường với tổng chiều dài 3km; cải tạo, sửa chữa gần 24.000 m2 vỉa hè; cải tạo 413 hố trồng cây và 272 hố thu nước. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 27 tỷ đồng.
Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 5/2024 và dự kiến hoàn thành trước tháng 11/2024. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều khu vực vẫn chưa hoàn thành thi công.
Theo nhận định của nhiều người dân trên địa bàn TP Hạ Long, đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến đợt triều cường lớn đến vậy. Nước triều vào thời điểm 6-7 giờ sáng 19/11 đã gây ngập đến tận khu vực đường vào chùa Long Tiên (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) - nơi gần như chưa bao giờ xảy ra tình trạng ngập úng. Nước triều cũng gây ngập nhiều khu vực ven biển khác trên địa bàn TP Hạ Long.
Theo Chi cục Thủy lợi Quảng Ninh, có một số nguyên nhân chính dẫn đến việc triều cường dâng cao gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực ven biển trên địa bàn TP Hạ Long những năm gần đây. Về nguyên nhân khách quan, theo đặc trưng của chế độ hải văn khu vực phía Bắc Việt Nam, trong đó có Quảng Ninh, nước triều sẽ cao hơn vào những tháng cuối năm, từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Cùng với đó, tình hình diễn biến của biến đổi khí hậu, trong đó có tình trạng nước biển dâng đã xuất hiện ngày càng rõ nét. Theo số liệu thống kê, mực nước biển dâng trung bình trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay và dự báo đến năm 2030 đã cao hơn trung bình giai đoạn năm 2000 - 2020.
Về nguyên nhân chủ quan, các khu đô thị ven biển bắt đầu được hình thành từ những năm 1990, 2000 trên nền địa chất tương đối yếu và phức tạp với nhiều bùn, cát, bãi bồi. Thời điểm đó, tuy chủ đầu tư đã có tính toán đắp cốt nền, nhưng qua thời gian, không tránh khỏi hiện tượng lún nền. Tại thời điểm đó cũng chưa thể tính toán được sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Số liệu từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Hải văn, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, sáng 19/11, thủy triều tại trạm Hồng Gai đạt đỉnh ở 4,2m. Dự kiến, ngày 20/11, triều cường sẽ ở đỉnh 4,3m, cao hơn mức đỉnh hôm nay. Do đó các địa phương ven biển cần có phương án chủ động phòng, chống triều cường.
Do triều cường dâng cao nên du khách khi tham quan một số hang trên vịnh Hạ Long phải lội nước. Một số hang dịch vụ chèo thuyền phải tạm dừng trong sáng 20/11.