Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa Nông Quốc Thành trao Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì và xã Tân Triều. |
Dự lễ có Phó Cục trưởng Cục di sản Văn hóa Nông Quốc Thành (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) và lãnh đạo UBND huyện.
Ngay đầu buổi sáng, hàng ngàn người dân đã đổ về làng Triều Khúc, nơi có hai ngôi đình cổ với kiến trúc bề thế, trong đó Đình thờ các đạo sắc phong thời Lê Cảnh Hưng 44 (1783) đến thời Khải Định 9 (1924) và Đại Đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Người dân Triều Khúc rất tự hào, gìn giữ các ngôi đình vì tương truyền vị trí đình Đại ngày nay vào năm 791 là nơi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chọn làm đại bản doanh trên đường công thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay) chống lại sự đô hộ của nhà Đường. Bên cạnh hai ngôi đình cổ còn có chùa Hương Vân cổ kính, rêu phong trầm mặc, uy nghi.
Không chỉ có vậy, làng Triều Khúc còn có lễ hội đậm chất văn hóa Việt diễn ra từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương, các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học.
Hàng năm, làng tổ chức lễ hội tại Đại Đình để tưởng nhớ công ơn của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người anh hùng phát động cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của quân xâm lược phương Bắc. Lễ hội làng Triều Khúc được mở đầu bằng lễ rước long bào, triều phục của Vua Phùng Hưng từ đình thờ Sắc về đình Đại Đình để khai hội.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho biết: Trong không gian lễ hội có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được bảo tồn. Đặc sắc nhất trong lễ hội là điệu múa trống bồng hay còn gọi là “con đĩ đánh bồng” - sản phẩm văn hóa độc đáo, là niềm tự hào lớn của người dân. Nguồn gốc của điệu múa bắt nguồn từ thế kỷ thứ 8, đức vua Phùng Hưng trước khi vây hãm và hạ thành Tống Bình đã đóng quân tại làng Triều Khúc.
Để khích động tướng sĩ cũng là giải trí cho nghĩa quân, ngài cho binh lính đóng giả gái, ăn mặc sặc sỡ, đeo trống múa bồng. Điệu múa do trai làng đóng giả làm con gái, má phấn, môi son, đầu chít khăn mỏ quạ, váy nhiễu màu đen với những dải màu ngũ sắc, vừa múa nhún nhảy, vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng một cách duyên dáng.
Hội làng còn có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như tế lễ, rước kiệu, múa chạy cờ…Trong ngày cuối của Lễ hội, sau khi kết thúc ba tuần tế là diễn ra điệu múa chạy cờ, tái hiện lại hào khí năm xưa của nghĩa quân Phùng Hưng thao luyện binh mã trước ngày ra trận. Chính sự đặc biệt này giúp lễ hội làng Triều Khúc được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận, trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia sáng 14/2.
Lễ hội tưởng nhớ công ơn của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. |
Múa rồng tại lễ hội |
Các đại biểu làm lễ tại Đại Đình. |