Hãng thông tấn Yonhap hôm 29/9 cho biết, Triều Tiên khẳng định đã tiến hành một vụ thử tên lửa siêu thanh mới được phát triển – việc có "ý nghĩa chiến lược" trong việc củng cố khả năng tự vệ của nước này.
Cụ thể, Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên đã phóng thử tên lửa Hwasong-8 từ Toyang-ri, huyện Ryongrim của tỉnh Jagang, và "xác định độ ổn định của động cơ cũng như ống nhiên liệu tên lửa lần đầu sử dụng", Hãng thông tấn T.Ư Triều Tiên (KCNA) cho biết.
Theo Yonhap, "đường ống" nhiên liệu có khả năng ám chỉ một thùng chứa nhiên liệu lỏng, điều này sẽ làm giảm thời gian chuẩn bị phóng và giúp vũ khí sẵn sàng sử dụng nhanh.
KCNA không đề cập liệu vũ khí này có phải là tên lửa đạn đạo, tuy nhiên các chuyên gia cho biết đó có vẻ là một tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu lỏng – dựa tên gọi Hwasong. Triều Tiên bị cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc.
Theo KCNA, sự phát triển của hệ thống vũ khí này “có ý nghĩa chiến lược to lớn trong việc tăng cường rõ rệt sức mạnh độc lập của nền khoa học và công nghệ quốc phòng hiện đại của đất nước và nâng cao khả năng tự vệ của quốc gia về mọi mặt”.
KCNA cũng thông tin kết quả thử nghiệm cho thấy tất cả các thông số kỹ thuật đều đáp ứng yêu cầu thiết kế.
Hôm 28/9, quân đội Hàn Quốc khẳng định Triều Tiên đã bắn một tên lửa tầm ngắn trong khi Nhật Bản cho biết đó có vẻ là tên lửa đạn đạo.
Vài giờ sau, chính quyền Seoul đã triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia. Tổng thống Moon Jae-in đã ra lệnh "phân tích toàn diện" vụ phóng tên lửa và những tuyên bố gần đây của Triều Tiên.
Quan hệ liên Triều vẫn rơi vào bế tắc kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều II năm 2019 không đạt được thỏa thuận. Mối quan hệ càng thêm nguội lạnh sau khi Triều Tiên ngừng văn phòng liên lạc ở Kaesong và cắt đứt tất cả các đường dây liên lạc xuyên biên giới để phản đối các truyền đơn chống Bình Nhưỡng từ Hàn Quốc.