Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trình diễn 3D mapping về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Hằng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tối 17/4, Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba sẽ diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với màn trình diễn 3D mapping về truyền thống tôn sư trọng đạo và sự phát triển của ngành xuất bản.

Quảng bá sách bằng công nghệ

Năm nay, chuỗi hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc sẽ diễn ra từ 17/4 đến 1/5 với các sự kiện chính gồm: lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba; Triển lãm, Hội Sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba; Triển lãm và Hội sách trực tuyến phục vụ bà con kiều bào Việt Nam ở nước ngoài; Tổ chức Lễ phát động Ngày đọc sách trong Thanh niên.

 Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba dự kiến có khoảng 60 đơn vị xuất bản, phát hành tham gia trưng bày, giới thiệu và cung cấp cho bạn đọc. Ảnh: Lại Tấn
 Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba dự kiến có khoảng 60 đơn vị xuất bản, phát hành tham gia trưng bày, giới thiệu và cung cấp cho bạn đọc. Ảnh: Lại Tấn

Trong khuôn khổ Lễ khai mạc, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục Thông tin Đối ngoại sẽ phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức trưng bày triển lãm các bộ sách quý về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; ảnh và sách về đất nước con người Việt Nam trên những phiên bản điện tử hiện đại và các ấn bản trực tiếp.

Đặc biệt, trong Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba diễn ra lúc 19 giờ ngày 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ có màn trình diễn 3D mapping với 2 chương. Chương đầu tiên gắn với câu chuyện truyền thống hiếu học của người Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo; chương hai là sự phát triển của ngành xuất bản trong thời gian qua để phục vụ cho việc nâng cao dân trí, phát triển văn hóa.

Dự kiến có khoảng 60 đơn vị xuất bản, phát hành tham gia trưng bày, giới thiệu và cung cấp cho bạn đọc trên 40.000 tựa sách có giá trị. Ngoài ra, còn có nhiều sự kiện tọa đàm, giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật tiêu biểu.

Kết hợp chuyển đổi số

Chuỗi hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, năm 2024 với các thông điệp: "Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe” được diễn ra từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày.

Chia sẻ về ý nghĩa các thông điệp này, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành – Bộ TT&TT Nguyễn Nguyên cho biết, các thông điệp đều có điểm chung là về sách hay, đều hướng đến bạn đọc với tinh thần gốc của sự phát triển của sách là văn hóa đọc. Tuy nhiên, để văn hóa đọc lan tỏa cần hướng đến mỗi vùng miền, mỗi đối tượng khác nhau, vì thế mỗi thông điệp mang ý nghĩa truyền thông riêng phù hợp.

Trong đó, "Sách hay cần bạn đọc" mang ý nghĩa, gốc của sách, ngành sách là bạn đọc, vì thế nếu không có bạn đọc thì cũng không có ngành sách.

Từ thông điệp "Sách quý tặng bạn", đơn vị tổ chức mong rằng sản phẩm sách sẽ trở thành một món quà tặng thường xuyên trong tất cả hoạt động sự kiện tiêu biểu với ý nghĩa trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Việt.

Với "Tặng sách hay - Mua sách thật", BTC muốn gửi đi thông điệp, ngành xuất bản đang phải đối diện với thực tế tình trạng vi phạm bản quyền còn rất nhiều, để giải quyết căn cơ bài toán này, việc thay đổi nhận thức của độc giả có ý nghĩa quyết định cùng với các giải pháp khác. Độc giả muốn có sách hay hãy ủng hộ sách thật. Người làm sách kỳ vọng mọi người mua sách hay, sách thật chứ không phải sách vi phạm bản quyền để ngành xuất bản có động lực, có sự phát triển lâu dài và bền vững.

Cuối cùng, "Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe", là câu chuyện của sự phát triển đáp ứng các yêu cầu của thời đại. Sách hiện nay đa dạng, không chỉ có sách truyền thống mà có nhiều hình thức mới như 3D, sách nói… Do vậy, "mắt đọc, tai nghe" khẳng định rằng ngành sách muốn phát triển cần phải đảm bảo yêu cầu về sách gần gũi bạn đọc và tăng sự trải nghiệm cho bạn đọc.

Theo BTC, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá về sách, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nền tảng công nghệ, mạng xã hội nhằm lan tỏa sâu rộng giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng; kết nối bạn đọc trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.