Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trình độ dân trí tăng, chất lượng phục vụ cũng phải được nâng lên

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/9, Đoàn khảo sát số 2 của T.Ư về khảo sát xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2016 đã đến khảo sát thực tế tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC (Một cửa) quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên, TP Hà Nội.

Khảo sát tại bộ phận Một cửa quận Hai Bà Trưng, đoàn công tác được biết: Trước ngày 25/5/2016, khi quận chưa bố trí bộ phận Một cửa mới tại 33 Đại Cồ Việt, do điều kiện cơ sở vật chất chưa đồng bộ nên UBND quận Hai Bà Trưng giao một số phòng ban chuyên môn trực tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả cho công dân.

Từ đầu năm đến trước ngày 25/5, bộ phận này tiếp nhận 6.052 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn mới đạt 91,2%. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động tại địa điểm mới đến nay, bộ phận Một cửa đã công khai được bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 11 phòng chuyên môn UBND cấp quận gồm 267 TTHC. Kết quả, từ 25/5 đến nay, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn đã được nâng lên tới 98,7%, một phần quan trọng do bộ phận Một cửa mới đã được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, công tác tổ chức tại đây được hoàn thiện...
 Đoàn khảo sát tại bộ phận Một cửa quận Long Biên
Tại quận Long Biên, với 257 TTHC cấp quận và 161 TTHC cấp phường, toàn bộ đều có quy trình tiếp nhận, luân chuyển và thụ lý giải quyết cho từng thủ tục, việc xây dựng quy trình được thực hiện trên phần mềm hệ thống ISO online. Từ quận đến phường, qua rà soát, mỗi TTHC đã giảm từ 20 - 80% thời gian giải quyết so với quy định của TP. Từ đầu năm đến ngày 15/9, cấp quận có 11.518 hồ sơ hành chính đã được tiếp nhận thì tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt tới 99,8%, cấp phường không có hồ sơ quá hạn.

Qua đánh giá sự hài lòng của người dân khi giải quyết hồ sơ hành chính cho thấy: Cấp quận đạt tỷ lệ “rất hài lòng” chiếm tới 98,38%; cấp phường đạt tỷ lệ “hài lòng” cũng chiếm 98,25%... Thực hiện nhiệm vụ được giao cùng với quận Nam Từ Liêm là đơn vị thí điểm triển khai 7 TTHC theo dịch vụ công mức độ 3 từ đầu năm 2016, đến nay tại Long Biên đã giảm được thời gian giải quyết cho toàn bộ quy trình từ 20 ngày làm việc còn 5 ngày làm việc; công dân khai báo, nộp hồ sơ qua mạng và chỉ cần 1 lần đến bộ phận Một cửa phường nhận cả 3 kết quả; hơn 2.300 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, không có hồ sơ giải quyết bị quá hạn…

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND 2 quận Hai Bà Trưng và Long Biên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ghi nhận nỗ lực của các quận trong CCHC và cũng nhấn mạnh: Các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu nhu cầu phát triển của xã hội, không thể tự hài lòng với kết quả đã đạt được mà cần cố gắng nhiều hơn, với cái đích cuối cùng là nâng mức độ hài lòng của người dân hơn nữa. Thực hiện tinh giản biên chế, các quận cần lưu ý, trong khi máy móc, thiết bị CNTT đã được tăng lên thì biên chế phải được giảm thêm. Bên cạnh đó, bộ phận một cửa ngoài liên thông từ phường lên quận cũng cần được liên thông lên cấp T.Ư để tăng cường kiểm soát…

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc đầu tư cơ sở vật chất cho bộ phận Một cửa của 2 quận đảm bảo khang trang, hiện đại, tiện lợi cho người dân. Trong đó, quận Long Biên tuy là một quận mới với nhiều giao dịch về nhà đất nhưng không để tồn đọng hồ sơ nhà đất chưa được giải quyết; UBND quận cũng phối hợp tốt với MTTQ tham gia giám sát, lấy ý kiến đánh giá của người dân với chính quyền; phần mềm ứng dụng CNTT rất khoa học, tiện lợi cho người dân góp ý kiến…

"Thời gian tới, các quận cần tuyên truyền sâu rộng hơn trong Nhân dân về giải quyết TTHC, để họ biết được những cải tiến của chính quyền trong việc này; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân, trong bối cảnh trình độ dân trí ngày càng nâng cao… Nhu cầu người dân tăng, đòi hỏi chất lượng phục vụ cũng càng phải tăng, nhất là phải giảm được thời gian và công sức cho người dân.

Để giảm bớt TTHC, hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân thì yếu tố quan trọng nhất là trách nhiệm người đứng đầu phải được nâng lên để sâu sát hơn trong CCHC, cùng với tăng chất lượng bồi dưỡng đào tạo cán bộ”, đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định.