Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng, dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo tính toán, mỗi lít xăng hiện nay "cõng" khoảng 9.500 - 10.000 đồng các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường, tương ứng tỷ trọng hơn 30%. Nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng, dầu, lợi nhuận định mức thì tỷ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng loại này khoảng 35%. Thuế bảo vệ môi trường hiện đã được giảm 50%, tức 1.900 - 2.000 đồng một lít với xăng từ 1/4 đến hết năm nay.
Tuy nhiên, thời gian qua, giá xăng, dầu thế giới tiếp tục có biến động và hiện nay Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức sàn trong Khung mức thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, dầu diesel từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít, mỡ nhờn từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg, dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Trước đó, Bộ Tài chính đã từng cho biết thời gian tới sẽ không thực hiện điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Theo Bộ Tài chính, quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ Tài chính cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia..., ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm xăng gốc hóa thạch hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập ôtô, máy bay, du thuyền, chơi golf...
Theo ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, ông ghi nhận nỗ lực tìm giải pháp kìm giá xăng của Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng nhanh, biến động khôn lường.
“Khi giá xăng, dầu trên thế giới có xu hướng tăng cao, nhiều quốc gia cũng phải tìm mọi cách để giảm ảnh hưởng giá xăng đến sản xuất và tiêu dùng. Có nhiều biện pháp được thực hiện, đương nhiên biện pháp nào cũng có 2 mặt” - ông Lê Quốc Phương nói.
Theo vị chuyên gia này, với Việt Nam, việc đầu tiên để kìm giá xăng, có thể làm là xem xét giảm các thuế khác, như: thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Biện pháp đầu tiên là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, ngoài ra có thể giảm phần nào thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo trình tự ưu tiên được tính toán.