Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trình Quốc hội Dự án Luật trẻ em

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/11, Dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đã được trình Quốc hội Tờ trình dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Trong đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là cơ quan thẩm tra nhất trí đổi tên Luật thành Luật trẻ em như 1 phương án của Chính phủ trình. Tên gọi này ngắn gọn, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật và phù hợp với cách đặt tên của những Luật đã được ban hành liên quan đến nhóm đối tượng đặc thù như: Luật Thanh niên, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật. 
Theo dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), người dưới 18 tuổi được coi là trẻ em
Theo dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), người dưới 18 tuổi được coi là trẻ em
Dự Luật bổ sung quy định mới để giải quyết những vấn đề vướng mắc của thực tiễn trong thực hiện các quyền trẻ em, tiếp cận theo hướng chuyển từ tiếp cận theo nhu cầu, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm đối với trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng sang xây dựng khung pháp lý toàn diện và tiếp cận dựa trên quyền trẻ em. Đồng thời hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em; hội nhập quốc tế, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế khác có liên quan.

Dự thảo Luật gồm 7 chương với 106 điều, quy định các quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc thực hiện các quyền trẻ em” (Điều 2). So với Luật năm 2004, dự thảo mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi, cụ thể là Điều 1 quy định “trẻ em là người dưới mười tám tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi.

Cơ quan soạn thảo lý giải, người dưới mười tám tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý, chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ của công dân, cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, Nhà nước và xã hội, cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển đầy đủ, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại cho trẻ em. Việc nâng tuổi trẻ em từ dưới mười sáu tuổi lên dưới mười tám tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp của luật này với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đề xuất này cũng được đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí và cho rằng việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên), đồng thời phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông, là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội.