Trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng mức đầu tư gần 50.000 tỷ đồng đã được Chính phủ trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp chuyên đề của Quốc hội khóa XV dự kiến tổ chức cuối tháng 12/2021.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hậu Giang về đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nhằm đảm bảo thuận tiện lưu thông hàng hóa cho người dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bộ GTVT cho hay, đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đoạn tuyến cao  tốc Cần Thơ - Cà Mau (dài 109km, quy mô 4  làn xe) là 2/12 dự án thành phần được đề xuất đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025 theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 2/12 mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp chuyên đề của Quốc hội khóa XV dự kiến tổ chức vào tháng 12/2021. 

“Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, TP có dự án đi qua khẩn trương triển khai các thủ tục thực hiện các dự án, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2025 để thuận tiện lưu thông hàng hóa, hành khách, tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực” - Bộ GTVT cho biết.

Sơ đồ các phương án tuyến của dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, trong đó phương án 3 đã được chọn. 

Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận, Bộ GTVT, phương án tuyến được chọn của dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là phương án 3, đi thẳng, qua Kiên Giang chứ không qua Sóc Trăng như trước đây.

Đây cũng là phương án có chiều dài ngắn nhất trong 4 phương án, có chi phí xây dựng thấp, tuyến đi mới qua vùng đất chủ yếu là nông nghiệp nên thuận tiện cho công tác giải phóng mặt bằng.

Theo đó, công trình dài gần 125km với 112 cầu, 13 nút giao; tổng mức đầu tư gần 50.000 tỷ đồng.

Điểm đầu tại nút giao Chà Và (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) - cầu Cần Thơ 2 (cách cầu Cần Thơ hiện tại khoảng 4,5km); điểm cuối giao với đường Vành đai tại xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Cao tốc đi song song Quản Lộ - Phụng Hiệp (cách khoảng 15km), cách TP Vị Thanh (Hậu Giang) 10km.

Trong đó, đoạn qua Vĩnh Long 10,5km; Cần Thơ 6km; Hậu Giang hơn 61km; Bạc Liêu 7,7km; Kiên Giang hơn 17km và Cà Mau gần 22km.

Tuyến đường có 4 làn xe với mặt cắt ngang gần 25m, vận tốc thiết kế 100km/h. Trong giai đoạn 1 sẽ đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng mặt cắt ngang 17m, vận tốc khai thác 80km/h.

Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị phân chia dự án thành 2 đoạn. Trong đó, đoạn Vĩnh Long - Cần Thơ hơn 15km, mức đầu tư gần 12.600 tỷ đồng, dự kiến xây dựng sau năm 2025.

Đoạn Cần Thơ - Cà Mau hơn 109 km, vốn đầu tư gần 29.400 tỷ đồng, theo hình thức BOT có hỗ trợ của nhà nước bằng tiền 50%, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025. Ở giai đoạn hoàn thiện, tổng mức đầu tư đoạn này tăng lên 37.000 tỷ đồng.

Phương án này được chọn đề xuất vì phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019.

Trước đó, 3 phương án khác cũng được đưa ra nghiên cứu, gồm: Phương án 1 là dùng toàn bộ tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu (dài 141km) làm một chiều từ Cần Thơ về Cà Mau; chiều ngược lại sẽ xây mới song song; tổng kinh phí 46.200 tỷ đồng. Phương án này không được chọn do tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp được xây theo tiêu chuẩn đường cấp III nên các yếu tố hình học không đáp ứng được tiêu chuẩn đường cao tốc.

Phương án 2 dài 137km, kinh phí gần 55.000 tỷ đồng. Phương án 4 dài 156km (hơn 62.000 tỷ đồng). Hai phương án này không được chọn bởi nhiều lý do, trong đó cả hai đều có khoảng cách dài và kinh phí lớn hơn so với phương án 3.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần