Trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An trong tháng 5/2023

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - HĐND tỉnh Nghệ An vừa thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 5/2023.

Tại kỳ họp thứ 13, khóa XVIII, đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An đã thống nhất thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Nghệ An và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.

Nhiệm vụ trọng tâm tạo đột phá phát triển trong thời kỳ quy hoạch gồm: Phát triển hai khu vực động lực tăng trưởng; ba đột phá chiến lược; bốn hành lang kinh tế; năm lĩnh vực trụ cột; sáu trung tâm đô thị.

Không gian đô thị Vinh, tỉnh Nghệ An.
Không gian đô thị Vinh, tỉnh Nghệ An.

Cụ thể, hai khu vực động lực tăng trưởng là Thành phố Vinh mở rộng và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng.

Ba đột phá chiến lược được xác định: Một là hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Hai là tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông chiến lược để tạo sự kết nối, lan tỏa phát triển.

Ba là phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người Nghệ An. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bốn hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế ven biển (gắn với trục Quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển) phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; Hành lang kinh tế Quốc lộ 7A phát triển lâm nghiệp và du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; Hành lang kinh tế Quốc lộ 48A phát triển lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khai thác và chế biến khoáng sản.

Năm lĩnh vực trụ cột phát triển: Phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; phát triển thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao; phát triển du lịch dựa trên 3 trọng tâm: Du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí và thể thao biển, du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Sáu trung tâm đô thị gồm: Đô thị Vinh mở rộng; đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu); đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn); đô thị Diễn Châu; đô thị Đô Lương; đô thị Con Cuông.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 5/2023.

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh phải tổ chức tốt Hội nghị công bố quy hoạch để tuyên truyền sâu rộng nội dung quy hoạch đến các cấp, các ngành và mọi tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý quy hoạch, bảo đảm quy hoạch được triển khai hiệu quả, đồng bộ, tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần