Trình tự, thủ tục giảm thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, từ ngày 1/2/2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% được giảm xuống còn 8%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc. Theo đó, Cục Thuế Hà Nội vừa có hướng dẫn chi tiết về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Theo hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội, trình tự, thủ tục giảm thuế thực hiện như sau: Đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, khi lập hóa đơn GTGT cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “8%”; tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn GTGT, bên bán và bên mua kê khai thuế theo quy định.
Đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, khi lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm... (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT, theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP cùng với Tờ khai thuế GTGT.
Khi bán hàng hóa dịch vụ, người nộp thuế phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT thì không được giảm thuế GTGT.
Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất, hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót; đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, hai bên kê khai thuế theo quy định.
Đối với hàng hóa đã bán, dịch vụ đã hoàn thành việc cung cấp trước ngày 1/2/2022 thì không được áp dụng thuế suất 8% (bao gồm cả trường hợp sang tháng 2/2022 người nộp thuế mới lập hoá đơn cho hàng hóa, dịch vụ đã bán/cung cấp trước 1/2/2022).
Đối với các hoá đơn đã lập trước ngày 1/2/2022, nhưng kể từ ngày này mới phát hiện sai sót, người nộp thuế lập hoá đơn điều chỉnh, thay thế thì vẫn áp dụng thuế suất tại thời điểm bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ do hàng hóa dịch vụ được bán, cung ứng tước ngày 1/2/2022.
Đối với các cơ sở kinh doanh lập hóa đơn sai mức thuế suất mà người nộp thuế không thực hiện lập hóa đơn điều chỉnh, thay thế thì khi cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện sẽ xử lý theo quy định.
Cách tính chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp
Về cách xác định chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), theo hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội, doanh nghiệp, tổ chức là người nộp thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN, được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của kỳ tính thuế TNDN năm 2022 đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ, quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.
Hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm có: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ, theo Mẫu số 02 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện tử) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp, tổ chức là đơn vị ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Cục Thuế TP Hà Nội cũng lưu ý, trường hợp công ty mẹ nhận khoản ủng hộ, tài trợ của các đơn vị thành viên để tập trung đầu mối thực hiện hoạt động ủng hộ, tài trợ thì công ty mẹ và các đơn vị thành viên được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tương ứng với khoản ủng hộ, tài trợ của công ty mẹ và từng đơn vị thành viên. Công ty mẹ phải có biên bản hoặc văn bản, tài liệu xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ nêu tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP. Đơn vị thành viên phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật và có văn bản xác nhận của công ty mẹ về khoản ủng hộ, tài trợ của từng đơn vị thành viên.
Các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ có trách nhiệm sử dụng, phân phối đúng mục đích của khoản ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 đã tiếp nhận. Trường hợp đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ sử dụng sai mục đích của khoản ủng hộ, tài trợ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật