Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trợ giúp pháp lý: Luật cần bảo đảm các chính sách nhân văn đi vào cuộc sống

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) sửa đổi vừa được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2.

Tán thành với nhiều nội dung cơ bản của Dự Luật, nhưng các đại biểu (ĐB) cho rằng, cần tập trung nâng cao chất lượng TGPL, đặt đúng vị trí của người được TGPL là trung tâm của công tác TGPL.
Phân “sân” rõ ràng
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, chúng ta bắt đầu có TGPL bằng quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1997 về thành lập các tổ chức TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đến năm 2006 có Luật TGPL. Tuy nhiên, do điều kiện cụ thể, nên Luật có phần ôm đồm trong phạm vi điều chỉnh. Trong khi đó, hiện tại trên toàn quốc có 183 trung tâm tư vấn pháp luật và tư vấn các lĩnh vực dân sự, hôn nhân, gia đình, đất đai và lao động. Đối tượng tư vấn là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, đối tượng yếu thế. Trong giai đoạn 2011 - 2014, các trung tâm này tư vấn khoảng 180.000 vụ, trong đó có khoảng hơn 3.000 vụ coi như TGPL. Tương tự, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 có các đề án phổ biến pháp luật riêng cho từng đối tượng chính sách, những người khuyết tật… Đối với hòa giải cơ sở, có rất nhiều vụ việc đang được hiểu là TGPL.
 Các luật sư Đoàn Luật sư Hà Nội trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân.
Từ những phân tích trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng đang có cách hiểu nhầm lẫn về hoạt động TGPL. Vì vậy, Dự Luật lần này một là phân "sân" rõ ràng, hai là trả lại TGPL đúng bản chất cho người nghèo và cho người không có khả năng được trợ giúp.
Trên cơ sở đó, Dự Luật quy định về cơ bản là giữ các đối tượng được TGPL như Luật hiện hành. Đồng thời, rà soát và bổ sung đủ về diện các đối tượng khác, nhưng tiêu chí cơ bản là không có khả năng chi trả về mặt tài chính. Điểm mới của Dự Luật là bổ sung cơ chế huy động lực lượng xã hội tham gia TGPL có sự hỗ trợ của nguồn lực Nhà nước qua việc ký hợp đồng thực hiện TGPL với tổ chức và chi trả kinh phí, tạo sự hấp dẫn để huy động các cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm, uy tín nhằm đa dạng hóa chủ thể cung cấp dịch vụ.
Coi trọng xã hội hóa
Khi thảo luận Dự Luật, nhiều ĐB cho rằng, trong điều kiện nguồn lực tài chính của đất nước còn hạn hẹp thì cần hết sức lưu ý đến tính khả thi của Luật, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có, bảo đảm các chính sách nhân văn thực sự đi vào cuộc sống. Theo ĐB Nguyễn Văn Luật (tỉnh Kiên Giang), cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề xã hội hóa chủ thể tiến hành TGPL. Trong đó tập trung vào tổ chức tham gia TGPL (tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật) và các cá nhân tham gia. Hiện nay, với trên 10.000 luật sư hoạt động trong cả nước, đây là lực lượng tiềm năng để thực hiện TGPL có chất lượng trong tương lai. Đồng thời, vấn đề xã hội hóa về nguồn lực cũng cần được xem xét đặt ra đúng mức, để không cần dùng đến nguồn lực của Nhà nước. Đây là định hướng quan trọng để chia sẻ với những khó khăn của Nhà nước trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp.
Còn theo ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Bắc Giang), một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có 51% vụ việc TGPL do MTTQ và các trung tâm mời luật sư tham gia bào chữa. Trong đó có đến 41% người tham gia không nhận thù lao. Hiện nay, ngoài 595 trợ giúp viên pháp lý ở 63 trung tâm pháp lý thuộc Sở Tư pháp còn có 177 trung tâm tư vấn pháp luật trực tiếp thuộc các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp… với khoảng hơn 3.000 người thực hiện tư vấn pháp luật. Các trung tâm này đã góp phần tích cực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Việc phát triển mạng lưới các trung tâm để người dân tiếp cận gần hơn với TGPL là việc làm cần thiết và cần coi đây là một chính sách Nhà nước bên cạnh các chính sách an sinh xã hội khác.
Ngoài ra, các ĐB cũng cho rằng, trên thực tế tư vấn pháp luật đang chiếm đến 93% số vụ việc TGPL. Do đó, đối với những trường hợp vụ việc không quá phức tạp, hoàn toàn có thể huy động sự tham gia của cộng tác viên hoặc những người có kinh nghiệm tư vấn pháp luật ở cộng đồng. Đồng thời, nên xây dựng một cơ chế TGPL làm sao đảm bảo đáp ứng cho gần dân. Ví dụ, TGPL lưu động hay TGPL thông qua điện thoại, TGPL thông qua hệ thống công nghệ thông tin.