70 năm giải phóng Thủ đô

Trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc, nhiều đoạn đường miền Tây ùn tắc

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do lượng người trở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ quá đông nên nhiều đoạn đường ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ bị ùn tắc. Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu buộc phải xả trạm.

Ngày 6/2 (mùng 6 Tết Nhâm Dần), hàng trăm nghìn người bằng các phương tiện xe gắn máy, ô tô, xe khách từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ đổ về tỉnh Long An, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để làm việc, học tập sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần và sau khoảng thời gian tránh dịch Covid-19 tại quê nhà.

Mất hơn một tiếng đồng hồ cho đoạn đường khoảng 10km từ cầu Mỹ Thuận về ngã ba An Thái Trung để vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi về TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đoàn Hà Nam.
Mất hơn một tiếng đồng hồ cho đoạn đường khoảng 10km từ cầu Mỹ Thuận về ngã ba An Thái Trung để vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi về TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đoàn Hà Nam.

Do lượng người quá đông nên nhiều đoạn quốc lộ đi qua các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang…, bị ùn ứ giao thông. Tại khu vực hai đầu cầu Rạch Miễu từ Bến Tre qua Tiền Giang, lực lượng Cảnh sát giao thông của 2 tỉnh này đã căng mình điều tiết giao thông.

Anh Nguyễn Văn Hóa, quê Bến Tre lên TP Hồ Chí Minh làm việc, cho biết trước tình trạng ùn tắc cục bộ tại khu vực, Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu đã phải xả trạm trong khoảng nửa giờ để giảm thiểu ùn tắc giao thông khi các phương tiện qua cầu.

Còn anh Đoàn Hà Nam chở vợ con từ TP Cần Thơ sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền để về TP Hồ Chí Minh, cho hay từ cầu Mỹ Thuận về ngã ba An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang để vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang), dù chưa đầy 10km nhưng phải mất một tiếng đồng hồ mới qua được vì hàng đoàn xe nối đuôi nhau dài cả chục cây số, trong đó có khá nhiều xe gắn máy.

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, nói: “Trước tình trạng đoạn rẽ từ cầu Mỹ Thuận về ngã ba An Thái Trung để vào cao tốc bị ùn tắc, Phòng CSGT đã cử lực lượng tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông trên đoạn đường này”.

Theo ghi nhận của anh Trần Thanh Tùng, ngụ xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh), từ sáng cho đến chiều 6/2, trên đoạn Quốc lộ 1A hướng từ tỉnh Long An về cầu Bình Điền (Huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) để vào thành phố, lưu lượng các loại xe tuy rất nhiều nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc. Vì khi đến cầu vượt Nguyễn Văn Linh, một lượng lớn xe đã rẽ về hướng quận 7, số còn lại về khu vực Bến xe miền Tây.

Còn ở cửa ngõ phía Đông của TP Hồ Chí Minh, từ sáng sớm 6/2 đã có rất nhiều đoàn xe đa phần là xe gắn máy biển số các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum và Bình Phước đổ về trung tâm thành phố nhưng cũng không có cảnh kẹt xe. Vì khi đến ngã tư Bình Triệu nhiều tốp rẽ sang đại lộ Phạm Văn Đồng để về hướng các khu công nghiệp ở TP Thủ Đức hoặc hướng quận Gò Vấp, số ít còn lại qua cầu Bình Triệu vào trung tâm.

Ông Huỳnh Văn Xây, bán quán cà phê ngay khu vực ngã tư Bình Triệu, cho biết từ trưa ngày 5/2 (mùng 5 Tết) cho đến trưa nay đã có rất nhiều đoàn xe máy lưu thông qua khu vực ngã tư để vào thành phố. Có thể đây là lý do khiến cửa ngõ phía Đông chưa xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông vào những ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

 

Theo thống kê của Ban Giám đốc Bến xe Miền Đông (Quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), từ sáng 5/2 đến hết ngày 6/2, sẽ có khoảng 900 - 1.000 lượt xe khách từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Bắc vào bến.

Còn tại Bến xe Miền Tây (Quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) từ ngày 5/2 đến hết ngày 6/2 có khoảng 2.000 lượt xe khách từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đổ về bến với khoảng 50.000 hành khách.