Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trợ lực cho hợp tác xã nông nghiệp

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định vai trò, tầm quan trọng của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”. Tuy nhiên, để thúc đẩy khu vực kinh tế HTX phát triển năng động, bền vững vẫn còn nhiều việc phải làm.

Những điểm sáng
HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, hiện có hơn 2.500 thành viên. Là đơn vị đầu tiên của Hà Nội xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo với nhãn hiệu gạo thơm Bối Khê, đến nay, HTX có gần 700ha trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hiệu quả kinh tế đạt 180 - 200 triệu đồng/ha/năm. Bà Hoàng Thị Lý, ở thôn Văn Khê (xã Tam Hưng) chia sẻ: "Gia đình tôi có gần 2ha trồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm thu về hơn 300 triệu đồng. Điều đáng mừng là gạo đều được HTX thu mua hết sau khi thu hoạch".
 Trồng dưa lưới tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Ánh
Từ việc đổi mới hoạt động, chọn hướng sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao, HTX nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh) đã đầu tư xây dựng 1.500m2 nhà phủ màng công nghệ của Israel, đạt doanh thu hơn 600 triệu đồng/năm. Thông tin về hoạt động của HTX trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, Đông Anh hiện có 86 HTX liên kết với DN, 47 HTX ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả. Hiện, trung bình mỗi thành viên HTX liên kết, ứng dụng công nghệ cao có thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng trở lên. Còn tại huyện Thanh Oai, hiện, toàn huyện có 24 HTX đổi mới hoạt động. Với phương án sản xuất, kinh doanh bài bản, sát thị trường, các HTX đạt thu nhập từ 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, từ năm 2018 đến hết năm 2020, toàn TP thành lập thêm 176 HTX nông nghiệp (đạt 176% so với chỉ tiêu được giao), nâng tổng số HTX nông nghiệp lên con số 1.235. Nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi đạt hiệu quả kinh tế từ hàng tỷ đồng/năm trở lên. Qua đó, trở thành điểm sáng dẫn dắt hoạt động sản xuất nông nghiệp ở địa phương phát triển theo hướng bền vững.

Cần thêm cơ chế hỗ trợ

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song phần lớn HTX nông nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn để mở rộng ngành nghề kinh doanh. Bên cạnh đó, theo Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên, việc thiếu quỹ đất và chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung chính là rào cản để HTX phát triển bền vững. Trong khi đó, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, vướng mắc lớn nhất hiện nay là giải thể các HTX đã ngừng hoạt động. Trong gần 3 năm qua, Hà Nội mới giải thể được 18 HTX nông nghiệp, còn 145 HTX chưa thực hiện giải thể do vướng mắc về thủ tục.

Như vậy, để giải quyết những khó khăn trên, ngoài sự hỗ trợ của TP, các địa phương và bản thân HTX phải chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp thực tế. Về phía các ngành chức năng và địa phương, cần chủ động tháo gỡ bất cập, hỗ trợ các HTX vươn lên trong sản xuất kinh doanh đã, đang được triển khai.

Về việc giải thể HTX hoạt động không hiệu quả, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Sở sẽ kiến nghị TP sớm có chính sách giải quyết dứt điểm. Sở cũng đề xuất bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX nhằm kịp thời hỗ trợ vốn cho HTX, nhất là các đơn vị sản xuất theo chuỗi giá trị, công nghệ cao. Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để các HTX tiếp cận nguồn vốn vay, bình đẳng như các thành phần kinh tế khác.

"Bên cạnh việc giải thể 145 HTX đã ngừng hoạt động, Hà Nội tập trung thành lập mới các tổ nhóm, HTX chuyên ngành phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng thôn, làng, địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025." - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ