Đồng hành vượt khó
Hộ anh Nguyễn Đình Lượng, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất đang nuôi 4 con bò nái, 6 con bê (trong đó 2 con giống BBB). Đợt này, theo phương án vay vốn QKN, nếu được duyệt 200 triệu đồng thì anh Lượng sẽ mở rộng quy mô bò nái lên 20 con. Để đáp ứng yêu cầu chăn nuôi, ngoài khu chuồng trại hiện có, anh Lượng còn xây thêm 1 khu chuồng mới rộng hơn 100m2 và mượn 2 mẫu ruộng để trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Anh Lượng chia sẻ: “Bò dạo này được giá, bê lai Sind 6 tháng tuổi năm ngoái chỉ được 7 - 8 triệu đồng thì năm nay được 10 - 12 triệu đồng, còn bê giống BBB 6 tháng tuổi được tới 16 - 17 triệu đồng”.
Trước đó, vào năm 2018 anh vay 200 triệu đồng để nuôi vịt đẻ, làm ăn khấm khá đã trả xong nợ. Lần này, anh Lượng mạnh dạn mở rộng đàn bò vì thấy giá bò giống, bò thịt luôn ổn định và ít dịch bệnh hơn nuôi lợn, gà: “Phí vay vốn QKN rất thấp, lại 6 tháng mới trả phí một lần. Không những thế, cán bộ chuyên quản phụ trách quỹ của Trạm Khuyến nông Thạch Thất còn thường xuyên theo dõi sát sao quá trình chăn nuôi và nhắc nhở sử dụng vốn đúng mục đích nên tôi càng có thêm động lực để phát triển sản xuất” – anh Lượng phấn khởi cho biết.Trại gà của chị Nguyễn Thị Lâm, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây vừa vào lứa gà công nghiệp trắng 6.000 con là trường hợp lần đầu được thẩm định vay vốn QKN. Chị Lâm cho hay, đây là giống gà nuôi theo kiểu siêu tốc, ở trong chuồng khép kín nên tăng trọng rất nhanh, mỗi lứa từ lúc vào đến lúc ra thị trường chỉ 45 ngày. Chia sẻ về ước mơ khởi nghiệp, chị Lâm cho biết, sau một thời gian tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, thị trường tiêu thụ, chị đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng một trại gà diện tích 570m2 theo đúng quy cách. Vẫn còn thiếu vốn, chị bàn với chồng thế chấp mảnh đất của bố mẹ cho để làm phương án vay QKN thêm 300 triệu đồng.Thẩm định kỹ, quản lý chặt vốn vayTrưởng phòng Quản lý QKN (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Duy Nam cho biết, QKN dành để cho vay các khoản vốn lưu động như giống, thức ăn, thuốc thú y, công lao động… trong đó người dân phải đối ứng 50% để tăng thêm tính trách nhiệm. Khi thẩm định phương án vay với chăn nuôi phải xem xét kỹ tài sản thế chấp, nguyện vọng của hộ vay và cả trang trại, nhà kho, địa điểm, trồng cây làm thức ăn cho vật nuôi.
Đơn cử, về quy mô chuồng trại, nuôi bò chuồng phải đảm bảo hơn 4m2/con, nuôi lợn chuồng phải đạt hơn 1m2/con, nuôi gà, vịt chuồng phải đạt 10 con/m2. Cùng với đó, phải đáp ứng cơ sở vật chất, đường điện, nước, máng ăn uống… đầy đủ, đúng quy chuẩn. Cũng theo ông Nguyễn Duy Nam, trong quá trình sản xuất của những hộ được duyệt vay, cán bộ chuyên quản về quỹ của Trạm khuyến nông huyện, thị xã phải thường xuyên kiểm tra xem họ sử dụng vốn có đúng mục đích không, nếu sai sẽ phải thu hồi ngay.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân, Hà Nội là nơi duy nhất trong cả nước có QKN, được ngân sách TP cấp lần đầu khi thành lập năm 2002 là 5 tỷ đồng và bổ sung hàng năm cùng nguồn trích từ phí quản lý quỹ.
Hiện, tổng nguồn kinh phí của quỹ đạt hơn 199 tỷ đồng, đã giải ngân cho hơn 3.700 lượt hộ vay với số vốn quay vòng trên 700 tỷ đồng. Các phương án vay vốn phát triển sản xuất và phát triển cơ giới hóa cơ bản đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân Thủ đô. Đồng thời, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, góp phần thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
"Ngoài Phòng Quản lý QKN thuộc Trung tâm còn có 19 Tiểu ban quỹ ở các quận, huyện thuộc Trạm Khuyến nông. Trong đó, Trưởng tiểu ban là lãnh đạo Trạm, 1 cán bộ kỹ thuật và 1 hợp đồng lao động phụ trách quỹ luôn đồng hành cả về kỹ thuật, tài chính và thị trường với nông dân, chủ trang trại." - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân |