Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trợ lý AI đang tìm cách thâm nhập thị trường livestream

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Việc chỉ mất khoảng 70-100 USD/tháng để có được các trợ lý AI xuất hiện trong các video ngắn hoặc các buổi livestream bán hàng sẽ khiến cho các KOL, KOC giảm đáng kể thu nhập.

 AI Livestream có nhiều tính năng ưu việt như: tự động hóa, dễ dàng vận hành, có thể hoạt động liên tục 24/7, học tập thông minh và tương tác cá nhân hóa với khách hàng, giảm thiểu chi phí . Ảnh AT
AI Livestream có nhiều tính năng ưu việt như: tự động hóa, dễ dàng vận hành, có thể hoạt động liên tục 24/7, học tập thông minh và tương tác cá nhân hóa với khách hàng, giảm thiểu chi phí . Ảnh AT

Từ ngày 11/12 đến tối 15/12, tại chợ di sản Bến Thành (TP HCM) đã diễn ra sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP HCM 2023"  với 77 phiên livestream. Giám đốc TikTok Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh cho biết, sau 5 buổi livestream, tiểu thương đã bán được 18.200 đơn hàng, tiếp cận 81,6 triệu người, mang về doanh thu 4,2 tỉ đồng.

Trợ lý bán hàng AI trình làng

Khá thú vị là ngoài 100 “hot” TikToker, người nổi tiếng có ảnh hưởng trên mạng xã hội, ngày hội còn có “người ảo” AI tham gia livestream. “Người ảo” AI cũng thu hút hàng triệu lượt xem, sự thích thú, nhờ khả năng tương tác với khách hàng và đã "chốt" hơn 900 đơn hàng, khoảng 600 người mua và thu về doanh số hơn 150 triệu đồng, chỉ trong 18 tiếng đồng hồ livestream.

Trợ lý ảo bán hàng AI đã tham gia sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP HCM 2023". Ảnh SGGP
Trợ lý ảo bán hàng AI đã tham gia sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP HCM 2023". Ảnh SGGP

Theo giảng viên Nguyễn Phan Anh (Đại học Thương mại Hà Nội), bán hàng qua phát trực tiếp (livestream) đang bùng nổ mạnh mẽ tại Trung Quốc trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) đi xuống. Doanh số bán hàng livestream tăng 19% trong Ngày độc thân 11/11 (một lễ hội mua sắm lớn của Trung Quốc), trong khi bán hàng qua TMĐT truyền thống giảm 1% so với cùng kỳ. Những người có sức ảnh hưởng (KOLs) và những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường (KOCs) đã tham gia sâu vào chiến dịch marketing, bán hàng của các nhãn hàng.

Đầu tháng 1/2023, nam TikToker (sinh 1996) lập kỷ lục livestream trên nền tảng TikTok với 3 triệu lượt xem, 22 triệu lượt yêu thích và gần 50.000 đơn hàng trong vòng 12 tiếng phát trực tiếp. Khi bị một người phụ nữ tố cáo, người ta mới biết 90 phút livestream của “Mèo Phố” có giá 220 triệu đồng, một khoản tiền không hề nhỏ.

TikToker Phạm Thoại, với các chiêu trò giả gái để lại nhiều tranh cãi vẫn có thể bỏ túi 220 triệu đồng cho phiên livestream 90 phút. Ảnh TA
TikToker Phạm Thoại, với các chiêu trò giả gái để lại nhiều tranh cãi vẫn có thể bỏ túi 220 triệu đồng cho phiên livestream 90 phút. Ảnh TA

Hiện nay, KOL livestream tại Việt Nam được phân loại thành 5 cấp. Thấp nhất là Nano KOL (1.000 - 10.000 người theo dõi); kế đến là Micro KOL (10.000 - 50.000 người theo dõi); KOL tầm trung (50.000 - 500.000 người theo dõi); Macro KOL (500.000 - 1 triệu người theo dõi); cao nhất là Mega KOL (từ 1 triệu người theo dõi trở lên).

Tất nhiên, chi phí thuê KOL livestream phụ thuộc vào đẳng cấp, nền tảng thực hiện, sản phẩm và mức độ quan hệ với đối tác. Trên Facebook, thời gian theo thỏa thuận với Nano dao động 610.000 đồng đến 6 triệu đồng/lần live; Micro từ 6,1 - 30,5 triệu đồng/lần; tầm trung 31 - 350 triệu đồng/lần live; Macro từ 350 - 611 triệu đồng/live. Cáo nhất là cấp Mega từ 611 triệu đồng trở lên. Đối với nền tảng TikTok, giá thuê hiện nay rẻ hơn nhiều, như Nano KOL từ 120.000 - 600.000 đồng/lần live; Micro từ 601.000 đồng đến 3 triệu đồng/lần; tầm trung 3 - 30,5 triệu đồng/lần; Macro từ 31 - 61 triệu đồng/lần. Mega từ 61 triệu đồng trở lên.

Vẫn còn nhiều cách đánh giá khác nhau nhưng về hiệu quả 2 gương mặt KOL TikToker Phạm Thoại (4,5 triệu người theo dõi) và Ha Linh Official (3,8 triệu người theo dõi) được xem là "chiến thần" livestream bán hàng khi chốt đơn có thể mang về hàng tỉ đồng sau 1 phiên làm việc.

Các trợ lý AI ngày càng có nhiều tính năng ưu việt, tiết kiệm trên 90% chi phí bán hàng, tham gia livestream nhiều loại sản phẩm.
Các trợ lý AI ngày càng có nhiều tính năng ưu việt, tiết kiệm trên 90% chi phí bán hàng, tham gia livestream nhiều loại sản phẩm.

Xu thế thị trường

Trong thời điểm công nghệ AI đang phát triển thì các công ty nghiên cứu lĩnh vực này không thể bỏ qua cơ hội trình làng trợ lý bán hàng ảo. Đi đầu phải kể đến Tencent, công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc mới đây đã ra mắt trợ lý bán hàng AI livestream trong 3 phút đã thực hiện 100 câu thoại để hỗ trợ bán hàng trực tuyến. Công ty còn ra mắt nền tảng Zen Video, cho phép nhà bán hàng xây dựng video quảng cáo đơn giản với streamer ảo.

Nhận định về xu thế AI livestream, giảng viên Nguyễn Phan Anh cho rằng, hiện nay nó chỉ phù hợp bán những sản phẩm đơn giản, không cần tư vấn. Bù lại, nó có thể làm việc 24/7, chi phí thấp hơn nhiều, đặc biết với AI livestream, nhà bán hàng còn tránh được rủi ro đến từ việc KOL, KOC gặp rắc rối đời tư, bị cấm sóng, sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu như đã từng xẩy ra tại Trung Quốc.

Công nghệ AI mới khiến những người có sức ảnh hưởng (KOLs) đứng trước nguy cơ mất việc làm khi chất lượng các buổi livestream thực tế ảo đang được cải thiện dần, khả năng tương tác tốt hơn và giúp nhà bán hàng tiết kiệm chi phí nhiều hơn.

Các KOL, KOC sẽ bị cạnh tranh bởi AI.
Các KOL, KOC sẽ bị cạnh tranh bởi AI.

Tại các thành phố lớn như Thâm Quyến, Thượng Hải và Hàng Châu của Trung Quốc các công ty chuyên về AI đang chạy đua để thiết lập một trung tâm thương mại điện tử livestream toàn cầu. Họ đang cố gắng để tạo ra nhân vật ảo có khả năng thực hiện các phiên livestream linh hoạt, phù hợp cho nhiều loại nhiều sản phẩm. Hugo Huang - người sáng lập công ty cung cấp nhân vật ảo Sansongshuzi cho biết chi phí cho một host ảo cho biết giá thuê chỉ  70 USD/tháng để xuất hiện trong các video ngắn hoặc các buổi livestream bán hàng, bằng 1% chi phí thông thường để thuê một streamer thật và studio phục vụ cho việc livestream.

Tại Việt Nam, ngoài Công ty Aeyes Global, mới đây Gen AI cũng trình làng trợ lý ảo AIDU có chức năng này. AIDU kết hợp AI livestream với các ứng dụng có khả năng tương tự chatbot nhằm tự động trả lời khách hàng trong các buổi livestream. Nếu có được các trợ lý AI thân thiện, giúp người mua vượt qua được những e ngại về chất lượng hàng hóa do AI giới thiệu, thị trường này sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới.