Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trở về

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có tiếng ngoài cổng vọng vào, tôi quay lại với thực tại, tôi nhận ra hình bóng quen thuộc. Bà với đôi quang gánh trên vai mà trong đôi quang gánh ấy, tôi biết là một mớ quà quê ngon lành. Tôi chạy lại ôm chầm lấy bà, không kịp cho bà đặt quang gánh xuống.

- Cha bố cô! Về từ khi nào mà không gọi điện, có chìa khóa sao không vào nhà, đứng ngoài này làm gì đây.

- Cháu đợi bà. Bà ơi! Cháu nhớ bà lắm – tôi thơm chụt một cái lên má bà.

- Cha bố cô! Đi bao nhiêu năm, lớn thế này rồi mà không thay đổi cái tính trẻ con gì cả.

- Con dù lớn vẫn là con của mẹ, cháu dù lớn vẫn là cháu của bà mà – tôi cười rồi hí hửng kéo bà vào trong nhà.

Thu gom đồ đạc đưa vào nhà xong, tôi ra ngồi gốc bưởi cho mát. Giờ tôi mới để ý thấy cây đã lớn sau nhiều năm xa cách. Nhưng cái dáng tiu nghỉu buồn buồn thì không thay đổi. Chính tại cây này, sáu năm trước, tôi vẫn thường ngồi nhổ tóc sâu cho bà, thế mà… nhanh thật đấy! Xa cách đến tận ngần ấy năm. Bao nỗi nhớ kìm nén trào dâng tưởng chừng không thể chịu được thì nay lại biến thành một nỗi buồn khó tả, thấm dần vào suy nghĩ và từng ngày làm héo mòn những khát vọng đời người. Bao năm tôi ra đảo công tác là bấy nhiêu năm tôi không nguôi nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền, nhớ những người thân đang ngày đêm trông ngóng tôi trở về. So với đời người, sáu năm không quá dài nhưng phần lớn tuổi trẻ của tôi đã đi qua nơi đầu sóng ngọn gió. Sự khắc nghiệt nơi biển đảo khiến da tôi sạm đi, môi tôi bớt đỏ, trái tim tôi se sắt lại.

- Về lần này là ở lại hẳn phải không?

Tôi ngập ngừng không biết trả lời bà thế nào cho hợp lý.

- Thế thằng Việt đâu, về mà nó không sang chơi à?

- Cháu chưa nói với anh ấy cháu về bà ạ. Tối cháu gọi điện sau.

- Bọn mày xem thế nào chứ cứ như này không thấy khổ à. Sao mày không ở lại rồi cưới nó đi. Bà thấy nó thật lòng với mày đấy.

- Vâng. Cứ thư thư rồi bọn cháu tính.
*

*    *
Học sư phạm tiểu học, tôi mơ ước trở thành cô giáo, tình yêu đến với tôi cũng thật nhẹ nhàng. Việt và tôi học cùng khóa, nhưng anh hơn tôi một tuổi. Với tôi, Việt là bậc tiền bối theo đúng nghĩa, bởi tài năng và tâm huyết của anh. Chính những điều ấy khiến tôi phải lòng chàng trai không bao giờ biết buồn này. Chúng tôi yêu nhau trong suốt bốn năm đại học, không hề có một cơn sóng nào xảy ra dù là nhỏ nhất.
Minh họa: Hoài Văn
Minh họa: Hoài Văn
Ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp, tôi và Việt tất bật chuẩn bị trong sự hồi hộp và lo lắng. Sáng sớm, tôi nhận được điện thoại của anh nói tôi ra cổng nhà để anh đón bằng xe máy chứ không phải đi xe buýt như mọi khi. Gia đình thuộc hàng khá giả, Việt lại là con một, được bố mẹ cưng chiều, nhưng riêng vấn đề xe cộ thì anh không được đụng đến, vì lo cho con nên phải đến bây giờ anh mới được phép đi xe máy. Đó là lần đầu tiên tôi được ngồi sau anh. Cảm giác khang khác, nhìn anh từ phía sau tôi thấy anh cuốn hút đến lạ thường. Bàn tay anh tìm đến tay tôi, chúng tôi cứ đan tay như thế cho đến lúc tới cổng trường. Tôi bước xuống xe, luyến tiếc không muốn buông tay anh. Anh nói hôm nay em lạ quá. Tôi chỉ cười đợi anh gửi xe rồi cùng đi vào hội trường.

Buổi bảo vệ luận văn kết thúc thành công với cả tôi và Việt, chúng tôi được thầy cô đánh giá cao về những phương pháp cải tiến chất lượng giáo dục. Tôi vui và anh cũng vui. Nhưng dường như hôm đó, tôi thấy yêu anh hơn, muốn gần gũi với anh hơn. Tôi để cho cơ thể mình tựa trên vai anh, tôi cảm nhận được người anh đang run lên khe khẽ. Nhìn vào gương xe phía trước, tôi thấy anh lúng túng, tay lái như không còn vững nữa.

Việt nói muốn đưa tôi về ra mắt gia đình, tôi vui sướng nhưng cũng lo lo. Yêu nhau đã lâu, nhưng đến giờ anh mới công khai chuyện tình cảm của chúng tôi với gia đình. Tôi không biết phải mặc thế nào, phải mang quà gì cho bố mẹ Việt, càng không biết cư xử, nói năng sao cho hợp ý với những người mình chưa tiếp xúc bao giờ. Tôi muốn gặp để nhờ anh tư vấn nên tạt vào quán nước trước cổng nhà anh, định gọi điện gọi anh ra. Nhưng chưa kịp gọi, tôi đã thấy cổng nhà anh bật tung, chiếc xe máy lao vụt trước mặt, mẹ anh chạy theo khóc lóc ầm ĩ:

- Sao tôi lại có thằng con trời đánh thế này, thiếu gì con gái nhà lành mà phải lao đầu vào cái con không cha,  không mẹ như thế? Nhà này phúc đức đâu hết rồi, trời ơi là trời!

Mọi thứ xung quanh tôi như sụp đổ. Lần đầu tiên, tôi thấy đau đớn đến tê dại khi là kẻ mồ côi, lần đầu tiên tôi thấy tủi nhục ê chề như thế, cũng là lần đầu tiên tôi trách bố mẹ sao không đưa tôi đi cùng, để tôi bơ vơ lạc lõng. Bao nỗi hờn tủi tích tụ bấy lâu cố kìm nén, cố quên đi thì bây giờ như con rắn độc đang nhe nanh trực nuốt tôi. Tôi quay mặt đi để mẹ anh không nhìn thấy, chếnh choáng đi như chạy, chạy mãi mà tôi cũng chẳng biết đang chạy về đâu.

Đợt ấy, ngay sau khi từ nhà anh về, tôi khóc rất nhiều, nhìn tôi như thế bà xót xa lắm. Tôi sợ bà lo nghĩ mà đổ bệnh nên ngay khi Nhà nước khuyến khích người dân đến sinh sống và làm việc tại vùng biển đảo, tôi đã đăng ký và lặng lẽ ra đi. Tôi ra đảo để anh không thể tìm tôi, cứ ngỡ xa anh tôi sẽ quên được, nhưng nào ngờ tình yêu với anh chẳng thể nào phai nhạt.

Tôi dặn bà không nói cho anh biết số điện thoại của tôi. Thỉnh thoảng tôi gọi điện về hỏi han sức khỏe của bà, bà kể nhiều về anh cho tôi nghe. Khi biết tôi đi, ngày nào anh cũng đến nhà, lúc đầu để lân la hy vọng bà sẽ nói cho anh biết cách để liên lạc với tôi, nhưng mọi cố gắng của anh đều vô vọng. Sau anh ít đến dần và không hỏi về tôi nữa. Tôi nghe bà kể, mẹ anh thấy con trai như người mất hồn thì tìm cách mối lái khắp nơi nhưng không ai khiến anh bình tâm lại được.

Sáu năm sống trên đảo, tôi đã gắn bó với các em nhỏ có phần thiếu thốn, thiệt thòi hơn những đứa trẻ trong đất liền. Nhưng ở bọn trẻ ấy, tôi thấy được tình thương giữa những con người với nhau. Có lúc thấy tôi buồn, các em chạy lại hỏi “Cô ơi, sao cô buồn thế ạ? Con thấy các cô khác có chồng, có em bé sao cô lại không có hở cô?” tôi phì cười với những câu hỏi ngây ngô nhưng rồi lại chạnh lòng, lại nhớ anh...

Cách đây hai tháng, đang trong giờ trên lớp, một anh chiến sĩ đến báo tôi lên nghe điện thoại có người nhà gọi. Tôi nghe máy, là giọng phụ nữ. Mẹ anh gọi điện, tôi im lặng nghe mẹ anh  kể tất cả. Thấy con trai khổ sở, dằn vặt bấy lâu, bác không chịu đựng được nữa, bác biết mình đã sai, bác xin lỗi và mong tôi quay về. Cả cuộc nói chuyện ngày hôm ấy tôi im lặng nghe bác giải thích, khóc lóc, năn nỉ. Nhưng những lời ấy lại càng khứa sâu vào nỗi đau của tôi. Tôi không hứa sẽ về, kể cả khi ngày nào bác cũng gọi điện nài nỉ.

Tôi vẫn sẽ như thế nếu không có một ngày khi gọi điện, tôi nghe thấy tiếng ho của bà, giọng bà khản đặc. Thời khắc đó, tôi nhận ra tôi đã bỏ quên bà, bỏ quên chính mình, sao tôi lại quên mất chưa bao giờ bà nói với tôi là bà mệt. Tôi vội vàng thu xếp công việc, xin nghỉ phép để trở về đây.
*

*    *
Nghe tiếng xe dừng trước ngõ, bà nói chắc nhà có khách, cháu ra mở cổng đi. Kéo cánh cổng cũ kỹ nặng nhọc, anh đang đứng trước mặt tôi, anh ôm vồ lấy tôi như sợ tôi chạy mất, tôi không thể thở được. Nước mắt tôi trào ra, tôi ngỡ mình đang mơ, tôi không dám mở mắt vì sợ nếu là giấc mơ thì nó tan biến mất.

- Em làm vợ anh, em nhé!

Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì, não tôi lúc này không kịp để phân tích những thứ đang xảy ra xung quanh nữa. Khi tôi còn ngơ ngác nhìn anh thì anh đã lồng chiếc nhẫn vào ngón tay tôi, tôi chỉ kịp ơ một tiếng thì nụ hôn ngọt ngào đã chặn trên môi.

Anh cùng tôi lo cơm nước và sau đó dọn dẹp, bà không nói gì, chỉ cười nhìn chúng tôi bên nhau. Bà lấy áo Chàm, khoác lên người nói anh ở chơi, bà đi lễ chùa buổi tối. Anh vâng dạ rồi đưa bà ra cổng. Tôi không nghe thấy bà nói tiếp những gì với anh, chỉ thấy lúc anh vào nhìn tôi cười tinh quái.

- Bà gả em cho anh rồi đấy, vợ ạ.

- Ơ cái anh này, em đã đồng ý lấy anh đâu, ai mà thèm.

Anh cầm tay tôi, đặt chiếc bát còn đang dính đầy bọt xuống. “Anh nhớ em”. “Cái anh này, tay em bẩn mà”. Mặc kệ những lời tôi nói, anh hôn khắp mặt tôi, kéo tôi vào lòng, anh cuồng nhiệt, mạnh bạo như muốn trừng phạt tôi vì nỗi nhớ tôi gây ra cho anh trong mấy năm qua. Anh bế tôi vào nhà, kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi cố giữ tay anh nhưng tôi không thể làm gì với đôi tay chắc khỏe của anh…

Giây phút này, giờ khắc này với tôi quý giá biết nhường nào, hy vọng và mong chờ trong thời gian dài đằng đẵng đã giúp tôi hiểu được những gì đang có với tôi thật quá hạnh phúc, dù cho mọi chuyện có ra sao đi nữa.

Anh kéo tôi nằm sát lên cánh tay anh. Mặt tôi đỏ ửng. Tôi giấu khuôn mặt mình để anh không nhìn thấy.

- Em biết giờ anh đang nghĩ gì không?

- Chắc là nghĩ cách để đẩy em ra chứ gì. Nhưng sao anh lại hỏi em như vậy?

- Tại sao em lại có thể bỏ anh đi biền biệt cả mấy năm trời như thế, em đi mà không báo trước, em biết anh sợ mất em đến thế nào không?
*

*    *
Khuya, bà đi lễ chùa về, anh xin phép bà hôm sau đến. Bà gật đầu cười hiền từ. Đêm nay tôi ngủ chung với bà. Bàn tay bà khẽ vuốt nhẹ mái tóc, tôi cảm nhận từng hơi thở nóng hổi từ bà truyền sang cơ thể mình.

- Bà ơi! Bà có muốn cháu ở nhà luôn không bà?

- Cháu thấy sống ở đây hay ngoài đó tốt hơn?

- Ở đây cháu có bà, có anh Việt là những người cháu thương yêu nhất nhưng ngoài kia lại có những người thương yêu cháu rất nhiều bà ạ.

- Vậy thì cháu hãy sống ở nơi cháu cảm thấy hạnh phúc. Việt nói sẽ cùng cháu ra đảo đấy.

Bà lại vuốt tóc tôi, ru tôi vào giấc ngủ dịu ngọt.

Chỉ ít tháng nữa thôi, tôi sẽ lại phải xa bà, xa mảnh đất này để trở về với vùng biển đảo, với những đứa trẻ thơ ngây nhưng đầy nghị lực. Tôi và Việt sẽ cưới nhau. Gia đình anh đã nhìn nhận khác về tôi. Tôi thấy mình đã được bù đắp và cần phải mở lòng ra để sống tốt hơn. Và Việt sẽ cùng tôi ra đảo. Chúng tôi sẽ có với nhau những đứa trẻ và những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên cùng với sóng gió. Tôi sẽ kể cho các con về tình yêu của mình, tình yêu đảo và học cách gắn bó với biển đảo quê hương.