Họ chẳng phải người nghèo, người vô gia cư, mà là nhân viên của Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội đang làm nhiệm vụ… canh hoa. Nhìn cảnh tượng ấy, nhiều người không khỏi buồn bã trước cách hành xử của những kẻ trộm vặt.
Càng áp Tết càng mất nhiều hoa
Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng Chạp, Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội lại làm nhiệm vụ “khoác áo mới” cho “trái tim của Thủ đô” với những thảm hoa rực rỡ. Năm nay, có hàng chục loài hoa chịu lạnh tốt tụ hội về đây phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người dân. Nào là đào, cúc, hoa hồng, tiểu hồng môn, đỗ quyên, thược dược, xôn đỏ, phong lữ thảo, ngọc thảo..., tất cả đều rực rỡ, thắm tươi. Chẳng thế mà những ngày này, khu vực Hồ Gươm luôn tấp nập du khách đến tham quan, chụp hình.
Đại diện Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết, diện tích trồng hoa quanh Hồ Gươm khá rộng, yêu cầu một lượng hoa khổng lồ. Hầu hết hoa trang trí ở khu vực Hồ Gươm đều là những cây đẹp, khỏe, được nhập từ Đà Lạt với giá không hề rẻ, lại đòi hỏi quá trình chăm sóc, vun trồng khá kỳ công. Ấy vậy mà, những nhân viên của Công ty không khỏi thất vọng vì cứ sau một đêm lại phải chứng kiến cảnh những cây, chậu hoa đẹp nhất “không cánh mà bay”. Thông thường, mỗi đêm ở đây mất từ 5 - 20 bầu hoa, cá biệt, có hôm mất đến 70 bầu. Hai loài bị mất trộm nhiều nhất là đỗ quyên và tiểu hồng môn vì chúng dễ trồng, sức sống dẻo dai, tươi lâu và có màu sắc rực rỡ. Đáng buồn hơn là các chậu hoa đã được cố định bằng dây thép, móc xích lại với nhau hoặc dùng rào chắn bằng thanh gỗ, nên khi những tên trộm lấy đi một cây nào đó là các chậu bên cạnh cũng bị “quần nát” theo. Vả lại, cách làm này cũng chỉ “phòng được người ngay chứ không tránh được kẻ gian”.
“Thế nên, mặc dù thời tiết độ này rất lạnh, đặc biệt về đêm có những hôm xuống tới 5oC, nhưng các nhân viên phụ trách khu vực Hồ Gươm vẫn phải cắt cử nhau đi tuần và ngủ lại ở tháp Hòa Phong để trông hoa. Bởi vì, để mất quá nhiều hoa, chúng tôi sẽ bị phạt. Gần Tết rồi, ai cũng có nhiều khoản phải chi tiêu, nên dù ban ngày làm rất vất vả, ban đêm chúng tôi vẫn phải cố gắng hết sức” - bà Nguyễn Thanh Bình (Công ty Thảo Viên Xanh, thuộc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội) cho biết. Còn anh Tô Hồng Quân (nhân viên Công viên Bách Thảo, Xí nghiệp 3, Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội) cho hay, hàng sáng, nhân viên sẽ tiến hành kiểm hoa và báo cho cấp quản lý. Thiếu cây nào sẽ tiến hành trồng bù ngay cây ấy. Càng áp Tết, hoa mất càng nhiều.
Mong người dân đừng trộm hoa nữa
Là người có kinh nghiệm 26 năm làm nhân viên chăm sóc cây trồng trên bờ hồ cho Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, bà Nguyễn Thị Huyền buồn rầu cho hay: “Cứ dịp cận Tết Nguyên đán, ngày nào cũng có người trộm hoa. Buồn vì ý thức của kẻ trộm một, tôi lại thấy đau lòng với những người nhìn thấy kẻ trộm nhưng không tố giác mười phần. Chính họ đã dung túng, tiếp tay cho kẻ trộm hoành hành, phá hoại chính TP họ đang sống”. Bà Huyền tâm sự, việc hoa bị trộm nhiều khiến nhân viên như bà rất vất vả vì cứ phải trồng đi, trồng lại, canh chừng không được rời mắt, còn người dân thì mất hoa đẹp để thưởng thức. Thế nên, bà Huyền mong sao người dân đừng tiếp tục lấy trộm hoa nữa. Còn những ai nhìn thấy kẻ trộm phải báo, bắt ngay kẻ gian và phải phạt nặng để tình trạng này không còn tiếp diễn.
Chị Phương - nhân viên Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội chia sẻ: “Người trộm hoa thường đóng giả khách tham quan muộn hoặc người câu cá, nhân lúc xung quanh vắng người, công nhân không để ý, họ nhanh chóng lấy các bầu hoa từ bồn bỏ vào túi đen hoặc túi kín rồi vội vã bỏ đi. Đêm nào cũng có người trộm hoa, chúng tôi vừa quay đi quay lại đã bị trộm rồi”. Thật vậy, mỗi đêm chỉ có vài ba nhân viên canh hoa ở Hồ Gươm thì làm sao mà xuể. Câu chuyện đáng nói vẫn là ý thức của một số người dân quá kém, tủn mủn, và cá nhân. Một bầu hoa có giá vài chục đến một trăm ngàn đồng, liệu có đáng để đánh mất nhân cách, sự trong sạch của bản thân?
Hàng chục loài hoa hội tụ về Hồ Gươm khoe sắc dịp cận Tết Bính Thân 2016. Ảnh: Hồng Hạnh
|