Trọn thế kỷ với niềm đam mê Hà Nội

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một Hà Nội xưa bình dị với những chiếc xe đạp chậm rãi trên phố Hàng Cân, quán đơn sơ nơi góc phố Hàng Mắm, mái ngói phố cổ nhấp nhô… Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc đã đi qua, nhưng với nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Vượng, đó là một kỷ niệm.

Sống trọn một thế kỷ, chứng kiến bao thăng trầm của đất và người Hà Nội, NSNA Lê Vượng luôn nuôi dưỡng trong lòng niềm đam mê nhiếp ảnh. Hàng nghìn bức ảnh về Hà Nội xưa và nay là khối tư liệu vô giá, là món quà ý nghĩa mà nghệ sĩ tặng mảnh đất mà ông sinh ra và gắn bó cả đời, cũng là nơi cho ông nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận.

Một thời Hà Nội…

Cuộc sống là thế, có những khi gặp được ai đó hay một điều gì đó đặc biệt khiến ta cảm thấy lâng lâng, tự hào. Tìm gặp NSNA Lê Vượng trong ngôi nhà Pháp cổ trên phố Trần Quốc Toản với chiếc cửa sắt cũ kỹ, cầu thang gỗ bạc phếch, nhuốm màu thời gian cũng vậy. Căn phòng nhỏ trên tầng 2 tựa như một bảo tàng mini với nhiều bức tranh của các danh họa Việt những năm đầu thế kỷ XX. Trên tường phòng khách, ông treo tranh Lê Phổ, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm bên cạnh tác phẩm ông sáng tác. Phía bên này tường ông dành cho những tác phẩm tâm đắc của mình, trong đó có những khoảnh khắc của Hà Nội cổ kính một thời... Bên góc trang trọng cạnh bàn thờ còn có ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với dòng đề tặng và chữ ký của Người "Tặng chú Lê Phổ. Chào thân ái". Nếp nhà và cách bài trí giản dị ấy cho người ta cảm nhận về một nếp nhà người Hà Nội gốc lịch lãm và phong cách.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2016 cho NSNA Lê Vượng. Ảnh: Anh Quý

Ở tuổi 100, tai đeo trợ thính, Lê Vượng không còn đủ sức khỏe để trò chuyện lâu, đôi chân mỏi cũng không cho phép ông lang thang khắp phố phường để ghi nhận những đổi thay phủ lên khuôn mặt Hà Nội phố. Nhưng ông vẫn giữ vẹn nguyên nụ cười hồn hậu, giọng nói trầm ấm để kể những câu chuyện thú vị trong đời sáng tác. Lần giở cuốn album “Những khoảnh khắc” với hàng trăm bức ảnh tâm đắc mà ông đã chụp, Lê Vượng bảo, để chớp lấy khoảnh khắc, phải bấm liên tục 6 lần mới mong được một bức ưng ý. Nhưng bấm máy chỉ là một thao tác kỹ thuật, còn có một bức ảnh hoàn hảo hay không lại còn phụ thuộc vào hiểu biết, tư duy tình cảm của người bấm máy. Bởi bức ảnh không chỉ thể hiện tài của người chụp, mà còn thể hiện những giá trị hun đúc được trong cả cuộc đời. Điều này quả đúng với lão nghệ sĩ bước vào tuổi 100, đến với nghề từ năm 18 tuổi...

Tác phẩm “Cầu Long Biên trong sương sớm”.

Ròng rã tháng năm với chiếc máy ảnh trên tay, NSNA Lê Vượng đã lang thang khắp các nẻo đường Hà Nội để ghi lại nhịp sống cùng cảnh sắc và con người Thủ đô. Các bức ảnh Hà Nội của ông luôn có sắc khi riêng, khi chất chứa trong đó nhiều yếu tố hội họa, và những giá trị tư liệu quý về mặt kiến trúc. Những lần xa Hà Nội, ông nhận ra rằng, những đô thị phù hoa, những ngôi nhà cao chót vót, cuộc sống sang trọng không thuộc về ông. Trái tim ông thuộc về những mái ngói lô xô, những nếp nhà nhỏ bé, chen chúc, những bức tường lở lói, những ngõ nhỏ ngoằn nghèo... Bởi với ông, đằng sau những thứ cũ kỹ ấy là vẻ đẹp của một tính cách và tâm hồn Hà Nội - vẻ đẹp tận sâu, cuối cùng cần phải khám phá, lưu giữ. Trong tiếng thở nặng nhọc, NSNA Lê Vượng thì thào: “Nhìn lại những bức ảnh đen trắng ngày xưa, tôi thấy Hà Nội xưa rất đẹp, cô bán hàng rong cũng mặc áo dài, phụ nữ nhặt ve chai cũng mặc áo mớ ba mới bảy. Rồi tiếng rao đêm của anh bán tào phớ, chị bán bánh mì cũng trở thành đặc sản. Nhưng giờ, đến tiếng rao cũng khác hẳn xưa rồi”...

Những mẩu ký ức

Suốt câu chuyện, ông cùng con trai là cựu Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội Lê Cường say sưa kể về Hà Nội xưa, chuyện họa sĩ Nguyễn Sáng tới nhà... xin cơm; chuyện ông tự lái xe xuống Hải Phòng mua súng giúp Việt Minh trong những ngày trước Cách mạng Tháng 8; chuyện được Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng khen khi đã lập công trong "Tuần lễ vàng"; về cuộc gặp của Hồ Chủ tịch với danh họa Lê Phổ tại Pháp năm 1946... Những mẩu ký ức được chắp ghép lại để chia sẻ không nhiều chi tiết, song vẫn thấy náo nức tinh thần nghệ sĩ. Tựa như những bức ảnh về Hà Nội của ông không quá cầu kỳ nhưng gợi bao rung cảm.

Tác phẩm “Cầu Thê Húc” của NSNA Lê Vượng.

Đã có thời kỳ, lão nghệ sĩ không còn tìm thấy nét tinh túy của người Hà Nội. Chán nản, ông bỏ Thủ đô lên miền núi, chụp đủ dáng hình núi non, trang phục, nết ăn, nết ở của đồng bào dân tộc thiểu số. Ông đã có rất nhiều tác phẩm được giải lớn trong các cuộc thi ảnh quốc tế, song cuối cùng, chân giá trị ông nhận ra vẫn là một tính cách Hà Nội, những con người và cảnh vật Hà Nội mà ông “vào vai” một người "thư ký" cần mẫn để ghi lại những đổi thay. Hơn thế, NSNA Lê Vượng còn khắc họa Hà Nội xa hơn chiều kích của những định kiến. Ấy là những làng ven đô, những di tích lịch sử ghi dấu thăng trầm của lịch sử kinh kỳ. Cũng phải nói rằng, những “dan díu” của nhiếp ảnh với hội họa nơi Lê Vượng không chỉ chịu tác động từ người chú Lê Phổ, mà còn được hun đúc trong thời gian ông làm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. "Cháu danh họa Lê Phổ" là một "thương hiệu" để ông đại diện bảo tàng đi làm việc với các nghệ sĩ đương thời.

Cả đời tôi đã cố gắng rất nhiều và làm cũng rất nhiều. Bây giờ tôi vẫn còn muốn sáng tác, nhưng sức khỏe không cho phép. Mọi người nhìn thấy giá trị, cái đẹp trong các bức ảnh của tôi là hạnh phúc nhất đời của tôi.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Vượng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần