Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trong 16, 875 tỷ ly cà phê, có bao nhiêu ly có cà phê?

Uyên Bùi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin về lượng tiêu thụ cà phê của người Việt Nam dựa theo lượng cà phê tiêu thụ nội địa là 16,875 tỷ ly cà phê trong năm 2015. Vậy trong 16, 875 tỷ ly cà phê ấy, có bao nhiêu ly có cà phê mới là điều đáng nói?

Tuy nhiên, sau 3 đợt khảo sát trên các mẫu cà phê bột và cà phê nước của Hội Tiêu Chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng (VINASTAS) công bố vào ngày 12/7 vừa qua, kết quả cho thấy tổng cộng có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine, và một số lượng lớn mẫu có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/lít). Vậy trong 16, 875 tỷ ly cà phê ấy, có bao nhiêu ly cà phê có cà phê?

Cà phê thật điêu đứng trước cà phê bẩn

Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, các cơ quan chức năng đã phanh phui hàng loạt cơ sở sản xuất cà phê bẩn, trộn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước từ Quảng Ngãi đến Buôn Ma Thuột, nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Hầu hết các cơ sở sản xuất cà phê dởm đều có công thức chung, dùng một phần rất nhỏ cà phê pha trộn với một lượng lớn đậu nành, bắp rang cháy, cùng những loại hóa chất tổng hợp tạo mùi, màu, vị, độ sánh và bọt cho cà phê. Những nơi sản xuất ít “tử tế” nhất còn cắt hẳn cà phê ra khỏi “sản phẩm cà phê”. Các xưởng cà phê này cung cấp chủ yếu cho các quán cà phê nhỏ, lẻ, vỉa hè, tiệm tạp hóa… 
 Tại cơ sở sản xuất cà phê quận Bình Tân, đoàn thanh tra phát hiện nhiều bao tải gần như chỉ chứa đậu nành rang cháy, chỉ có rất ít hạt cà phê. Ảnh: B.T
 Tại cơ sở sản xuất cà phê quận Bình Tân, đoàn thanh tra phát hiện nhiều bao tải gần như chỉ chứa đậu nành rang cháy, chỉ có rất ít hạt cà phê. Ảnh: B.T
Theo ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia theo dõi và phân tích diễn biến kinh tế và xã hội trong ngành hàng cà phê, cho biết mỗi cân cà phê tươi bán ra giá gần 50.000 đồng chưa bao gồm công rang xay, bao bì, chi phí phân phối, tài chính. Nhưng hiện tại lại có nhiều loại cà phê trôi nổi trên thị trường bán ra thành phẩm chỉ chừng 40.000 đồng/kg. Điều này lý giải cho kết quả Báo cáo từ Hội Tiêu Chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam khi có gần một nửa (47,54%) mẫu cà phê lấy từ các quán cà phê bệt, quán nhỏ, xe đẩy, vỉa hè và căn tin bệnh viện có hàm lượng caffeine rất thấp. 

Mới đây nhất, ngày 15/7/2016, Đoàn thanh tra liên ngành TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng đã đột kích và phát hiện một số cơ sở rang xay cà phê tại Q.Bình Tân và huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh sản xuất cà phê  “độn” đậu nành. Khi ập vào một cơ sở ở quận Bình Tân, tổ công tác phát hiện nhiều công nhân đang vận hành hệ thống rang xay cà phê trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, còn một khối lượng lớn đậu nành chưa rang xay và hương liệu là… nước mắm. Theo chủ cơ sở, ông nhận gia công sản phẩm cà phê “độn” cho nhiều mối hàng với các tỉ lệ 40 đậu nành/60 cà phê hoặc 50 đậu nành/50 cà phê. Cùng ngày, tại một cơ sở rang xay cà phê ở Bình Chánh, tổ công tác phát hiện lượng lớn cà phê qua sơ chế có “độn” đậu nành, cùng nhiều loại hương liệu, phẩm màu phục vụ cho quá trình chế biến. 

Minh bạch để cứu cà phê sạch

Nhằm mang đến giải pháp khả thi có thể đẩy lùi được vấn nạn cà phê bẩn, theo ông Nguyễn Quang Bình nhận định, nhà sản xuất nói là cà phê, nhưng sản phẩm họ đưa ra lưu thông trên thị trường không phải là cà phê, không ghi rõ thành phần nguyên phụ liệu của sản phẩm trên bao bì cụ thể. Đó là hành vi gian lận, lừa đảo người tiêu dùng, kiếm tiền bất chính. Vậy để tiên phong, các nhà sản xuất cà phê lớn nên minh bạch thành phần, nếu trộn thì ghi rõ là trộn với tỉ lệ như thế nào, nguyên bản thì rõ là nguyên bản vì người dùng có quyền được biết và lựa chọn.  

Cũng đồng ý kiến về giải pháp minh bạch và trung thực thông tin, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh- Nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đề xuất các cơ quan quản lý địa phương nên yêu cầu các quán cà phê vỉa hè ngồi cố định phải đăng ký chất lượng, ghi rõ mua hàng ở đâu, bao bì nhãn mác ghi rõ thành phần mới được bán. Đối với các doanh nghiệp lớn, chi cục tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu doanh nghiệp kê khai và sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật để kiểm tra doanh nghiệp có gian lận hay không, sau đó công bố công khai trước người tiêu dùng. Nếu sai thì tố cáo trước công chúng và cảnh cáo các doanh nghiệp gian lận.

Đây cũng là phương thức đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. Ông William Robert Frith Jr, Chuyên gia quốc tế về kiểm soát chất lượng cà phê ở Mỹ, cho biết luật pháp bắt buộc phải liệt kê danh sách các thành phần được dùng trong thực phẩm, sau đó phải được sự chấp thuận của các thanh tra y tế. Các thanh tra viên sẽ quay lại kiểm tra một năm một lần hoặc nhiều hơn để chắc chắn rằng mọi thứ luôn trong tình trạng tốt. 

Nhận định về tình hình cà phê “không sạch” tại Việt Nam, ông William nhấn mạnh: “Điều này thật khó tin khi tại một quốc gia có truyền thống sâu sắc về cà phê như Việt Nam  với chất lượng cà phê tốt nhất thì được xuất khẩu, trong khi loại tệ nhất lại được tiêu thụ nhiều trong nước. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu và nền kinh tế cà phê.

“Trung thực” và “minh bạch” là hai yếu tố vô cùng quan trọng. Nhưng nó không phải vấn đề gì to tát đối với những người thích uống cà phê mà chỉ quan tâm đến hương vị chứ không để ý đến cà phê này phải cà phê thật không, bởi uống cái gì là quyền của họ. Tuy nhiên, “trung thực” và “minh bạch” lại phụ thuộc vào các nhà máy/xưởng hay các công ty sản xuất cà phê, nếu họ dùng đúng nhãn mác thật và giá cả hợp lý, thì đây chính là những điều tốt nhất thể hiện sự “trung thực và minh bạch” trong chuỗi sản xuất.